Có việc làm và thu nhập ổn định sau khi học nghề

Thứ Tư, 04/09/2019, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), các địa phương đã triển khai tốt công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm. Phần lớn các học viên đã có việc làm sau đào tạo, phát huy ngành nghề được học, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Nông dân có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau khi được học nghề.  Trong ảnh: Vườn hoa lan của ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền) mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Nông dân có việc làm ổn định và tăng thu nhập sau khi được học nghề. Trong ảnh: Vườn hoa lan của ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt, huyện Long Điền) mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Chị Dương Thị Sáu (ấp Phước Thắng, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) vừa tốt nghiệp khóa đào tạo nghề may công nghiệp trong chương trình đào tạo nghề cho LĐNT do UBND huyện hỗ trợ. Trước đây, chị đi làm thuê, thu nhập bình quân chỉ 3 triệu/tháng, công việc không ổn định. Được sự vận động của địa phương, chị tham gia khóa đào tạo nghề may. Gia đình thuộc diện khó khăn, quá trình đi học, chị được hỗ trợ chi phí đào tạo và tiền ăn. Sau khóa học chị được nhận vào xưởng may chỉ cách nhà 3km. Chị Sáu cho biết: “Chỗ làm cách nhà không xa nên rất thuận tiện cho việc đi lại, tôi vừa đi làm có thể tranh thủ đưa rước các con đi học. Sau gần 5 tháng đi làm, hiện thu nhập trung bình của tôi được 5,5-6 triệu đồng/tháng, cao gấp đôi so với trước đây”.

Cũng tốt nghiệp khóa đào tạo nghề may công nghiệp như chị Sáu, chị Lê Thị Dung (xã Tân Phước, TX Phú Mỹ), được một DN trên địa bàn nhận vào làm với mức lương khá. Chị Dung cho biết: “Trước khi học nghề, tôi đi làm thuê, thu nhập chỉ được 3-4 triệu đồng/tháng, hiện thu nhập của tôi đã tăng lên 6 triệu đồng/tháng, có những tháng tăng ca thu nhập còn đạt 7-8 triệu đồng/tháng”.

Ngoài đào tạo phi nông nghiệp, trên địa bàn các huyện như Châu Đức, Đất Đỏ, TX. Phú Mỹ, TP.Bà Rịa, cũng có rất nhiều LĐNT được đào tạo nghề gắn với nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế gia đình. Câu chuyện về sự nỗ lực vươn lên nắm bắt kiến thức, kỹ thuật, mở rộng diện tích nuôi trồng, gia tăng kinh tế gia đình của anh Bùi Văn Thủy (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một ví dụ. Với gần 1,5ha đất, anh vừa đào ao thả cá, vừa chăn vịt, nuôi gà, hàng năm trang trại cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng. Anh Thủy cho biết, năm 2017, được tham gia khóa đào tạo về chăn nuôi thú y, điều khiến anh Thủy hài lòng nhất là đã nắm được cách phòng và chữa bệnh cho gia cầm, tiêm phòng bệnh đúng thời điểm, đúng liều lượng, biết sắp xếp diện tích nuôi trồng khoa học hơn. “Trước đây làm nông chỉ nhờ vào kinh nghiệm, nay được đi học, về áp dụng vào nuôi trồng sẽ cho năng suất cao hơn, đồng nghĩa với việc giá trị kinh tế cao hơn nên ai cũng hào hứng. Tôi kỳ vọng đợt xuất lứa vịt và cá mới sẽ đem lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm”, anh Thủy cho biết thêm.

Theo báo cáo kết quả sau 9 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh đã đào tạo được 25.467 lao động, đạt 102,1% so với kế hoạch, với tổng kinh phí thực hiện 77,885 tỷ đồng. Trong đó, nghề phi nông nghiệp đào tạo 15.493 lao động, chiếm tỷ lệ 60,8%; nghề nông nghiệp đào tạo 9.974 lao động, chiếm tỷ lệ 39,2%. Điểm nổi bật trong công tác dạy nghề cho LĐNT hiện nay là đào tạo nghề theo nhu cầu DN, đặc biệt là DN, cơ sở kinh doanh đóng chân trên địa bàn. Một số LĐNT đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho các lao động khác. Việc triển khai các mô hình đảm bảo cơ cấu hợp lý về đào tạo nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp. Nhờ chính sách linh động, tỷ lệ giải quyết việc làm sau học nghề đạt 82%, riêng đối với nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ giải quyết việc làm lên tới  93%. Đời sống LĐNT sau học nghề đã được cao thiện rõ rệt, thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn tỉnh đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Quản lý giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết: Trong những năm qua, Sở LĐTBXH kết hợp cùng địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn tỉnh như: nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, heo, gà, dê, vịt, cá; trồng lúa năng suất cao; trồng nấm; nuôi cá nước ngọt. Hay các nghề phi nông nghiệp như: may công nghiệp, điện, kỹ thuật xây dựng, hàn, lái xe và nghề du lịch như nghiệp vụ bàn, buồng, lễ tân… Các nghề sau đào tạo được ứng dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng phối với các sở, ban, ngành, địa phương khảo sát, triển khai các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho LĐNT; bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề.

Bài, ảnh: KIM HỒNG

;
.