"Căng mình" chống dịch tả heo châu Phi
Gần 3 tháng qua, dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, dịch đã có xu hướng lan ra các trang trại chăn nuôi có tổng đàn lớn. Điều này khiến cơ quan thú y, các địa phương đang phải “căng mình” đối phó với dịch.
Các địa phương thành lập các đội cơ động để ứng phó với dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Tiêu hủy heo mắc bệnh tại phường 11, TP. Vũng Tàu. |
Đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đang lan rộng, bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, đã có khoảng 10.000 con heo bị tiêu hủy, 47 địa bàn cấp xã của 7 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện dịch. Hàng ngày, tại BR-VT, có từ 10-20 ổ dịch được phát hiện. Theo đó, cơ quan chức năng dồn nhân lực, công sức cho việc xử lý các vấn đề phát sinh của dịch bệnh.
Chúng tôi có mặt tại xã Xà Bang, huyện Châu Đức, một trong những địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, khi lực lượng địa phương đang tiến hành tiêu hủy heo mắc bệnh trên địa bàn ấp Liên Lộc. Các thành viên trong nhóm xử lý đều đeo găng tay, khẩu trang để bảo đảm cách ly dịch bệnh. Các thao tác như kiểm tra tình trạng heo, đưa heo lên xe để vận chuyển đến nơi tiêu hủy được mọi người thực hiện nhịp nhàng, thuần thục.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hiếu, cán bộ nông nghiệp xã Xà Bang cho biết, các thành viên đang tiêu hủy heo bệnh thuộc đội phản ứng nhanh gồm cán bộ thú y, lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên do xã thành lập để đối phó với dịch. Theo đó, mỗi khi có heo nghi nhiễm bệnh, xã đều báo với trạm thú y huyện tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Nếu mẫu thử dương tính, lực lượng này sẽ được huy động để xử lý. Thời gian vừa qua, số lượng ổ dịch phát hiện ngày càng nhiều. Theo quy định mới, chỉ heo bị bệnh mới bị tiêu hủy thay vì toàn bộ đàn như trước, nên việc rà soát phải kỹ càng. “Do đó, một số trang trại có heo chết thì họ báo tin lúc mấy giờ cũng phải đến xử lý. Bên cạnh đó, dù đã thành lập đội nhưng không phải lúc nào cũng có đủ người tham gia xử lý dịch bởi ai cũng có kế hoạch công tác tại đơn vị. Vì vậy, địa phương phải cố hết sức mới vận động đủ được nhân lực chống dịch, nhất là trong công tác tiêu hủy heo. Có thể nói, không chỉ nông dân mà chính quyền xã cũng đang “căng mình” đối phó với loại dịch bệnh nguy hiểm này”, bà Hiếu cho hay.
Ông Võ Gia Tân, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xuyên Mộc cho biết, huyện Xuyên Mộc có diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều sông, hồ nên nếu xử lý heo bệnh không tốt có thể gây nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường. Xác định được vấn đề trên, dù lực lượng mỏng, cơ quan chức năng luôn xác định phải xử lý heo chết trong khoảng 6-8 tiếng sau khi phát hiện. “Để làm được điều này, huyện đã lên “kịch bản” từ trước, từ người thực hiện, nguồn thuốc sát trùng cho đến địa điểm tiêu hủy. Nhờ đó, khi phát hiện ổ dịch, lực lượng thú y huyện và các địa phương chỉ cần thực hiện theo đúng “kịch bản” đã đề ra. Chúng tôi cũng thường xuyên tuần tra các vị trí xung yếu như ao, hồ, sông, suối để kịp thời xử lý nếu có heo chết bị vứt bừa bãi”, ông Tân thông tin thêm.
Nhiều chốt kiểm dịch đã được thành lập để kiểm soát phương tiện vận chuyển heo vào BR-VT. Trong ảnh: Nhân viên trạm kiểm dịch tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức phun xịt xe chở heo trước khi vào địa bàn. |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời gian qua, dù phải chịu nhiều áp lực về nguồn nhân lực, thời gian, khối lượng công việc, việc phòng, chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương thực hiện với tinh thần chủ động và có trách nhiệm. Heo mắc bệnh, heo chết đều được tiêu hủy đúng quy trình. Nhờ đó, dịch bệnh dù vẫn diễn biến phức tạp nhưng không lây lan quá nhanh, chỉ ở mức hơn 2% tổng đàn. “Dù vậy, hiện đang là cao điểm của mùa mưa, dịch bệnh đang có chiều hướng lây lan trên diện rộng, theo 3 hướng: Phát tán, lây lan tiếp sang các xã chưa có dịch; xâm nhập vào các trại chăn nuôi quy mô lớn; tái phát các ổ dịch cũ dù đã qua 30 ngày. Do đó, việc chống dịch sẽ tiếp tục khó khăn, gian nan. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện quy trình ứng phó theo đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Bà con chăn nuôi cũng cần có trách nhiệm vì lợi ích của mình, thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện heo bệnh, không tự ý xử lý, vứt ra môi trường bên ngoài”, ông Nguyễn Lương Trai nhấn mạnh.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN