Buôn lậu đội lốt hàng quá cảnh "nóng" trở lại
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây lại xuất hiện tình trạng một số DN lợi dụng chính sách đối với hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất để vận chuyển hàng lậu dưới hình thức quá cảnh Việt Nam, hoặc rút ruột hàng quá cảnh.
Lực lượng chức năng kiểm tra lô hàng lậu núp bóng hàng quá cảnh làm thủ tục thông quan tại cảng Cái Mép. |
“RÚT RUỘT” HÀNG QUÁ CẢNH
Là địa bàn có nhiều khu vực cảng biển, thời gian qua, BR-VT luôn nằm trong top những “điểm nóng” để các đối tượng lợi dụng buôn lậu với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau, đặc biệt là buôn lậu đội lốt hàng quá cảnh.
Ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) cảng Cái Mép cho biết: Bình quân, mỗi tháng Chi cục làm thủ tục cho loại hình nhập hàng quá cảnh hơn 70 tờ khai, chủ yếu qua các cửa khẩu: Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp), Hoa Lư (Bình Phước), Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh); 34 tờ khai xuất quá cảnh, chuyển về từ các cửa khẩu: Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp), Mộc Bài (Tây Ninh). Trong quá trình thực hiện các thủ tục, các lực lượng chức năng đã phát hiện ra nhiều trường hợp lợi dụng hình thức chuyển cảng quá cảnh để buôn lậu; rút ruột hàng quá cảnh.
Điển hình như tháng 7/2019 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “buôn lậu” liên quan đến vụ việc rút ruột 2 container hàng quá cảnh từ cửa khẩu cảng Cái Mép đi Campuchia. Vụ việc này liên quan đến Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư Thương mại Minh Trí Việt (Nguyễn Huệ, quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Công ty này mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục HQCK cảng Cái Mép để vận chuyển quá cảnh 2 container hàng điện tử gia dụng đã qua sử dụng và mới 100% cho một DN tại Campuchia. Theo đó, Chi cục HQCK cảng Cái Mép kiểm tra thực tế hàng hóa xác định hàng hóa đúng như khai báo hải quan là hàng gia dụng đã qua sử dụng gồm: 509 máy điều hòa cũ, 259 nồi cơm cũ, 83 máy lọc khí cũ, 9 tủ lạnh cũ, 37 cửa sổ máy điều hòa cũ, 87 quạt điện cũ, 10 tủ lạnh mới 100%, 20 điều hòa mới 100%, nên đã bàn giao cho công ty trên vận chuyển đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) tái xuất sang Campuchia theo quy định. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hàng quá cảnh để làm thủ tục tái xuất, DN này đã “rút ruột” container để bị thẩm lậu vào nội địa mà không quá cảnh theo quy định. Vì vậy, ngày 30/7/2019, sau khi tiếp nhận hàng quá cảnh để làm thủ tục tái xuất, Chi cục HQCK quốc tế Hoa Lư (Cục Hải quan tỉnh Bình Phước) phối hợp với Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Đội Kiểm soát Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện cả 2 container rỗng, không chứa hàng hóa.
Trước đó, ngày 19/1/2019, tại cảng Cái Mép, lực lượng chức năng đã phối hợp khám xét container hàng quá cảnh đi Campuchia của Công ty TNHH sản xuất thương mại Quang Hồng (TP. Hồ Chí Minh). Theo khai báo của DN, trong container gồm có: 800 chiếc đồng hồ, 5 chiếc tủ, 10 chiếc ghế, 2 chiếc xe đạp, 30 khung tranh, 141 chai rượu vang và 10 chai rượu Chivas. Kết quả kiểm tra phát hiện số hàng hóa chứa trong container có sự chênh lệch về số lượng và mặt hàng so với khai báo của DN. Cụ thể, trong container có chứa 1.200 chiếc đồng hồ (dư 400 cái so với khai báo), 5 chiếc tủ, 10 chiếc ghế, 2 chiếc xe đạp, 30 khung tranh, 60 chai rượu vang (thiếu 81 chai) và 10 chai rượu Chivas. Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng không được DN khai báo gồm: 6 chiếc đầu đọc đĩa, 2 đầu đọc băng, 9 chiếc loa, 30 đồ trang trí bằng đồng (đã qua sử dụng) và một máy giặt, một lò vi sóng còn mới. Các cơ quan chức năng đã niêm phong số hàng trên để tiến hành các bước xử lý theo quy định.
SỐ VỤ BUÔN LẬU TĂNG 53%
Theo Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 403 vụ buôn lậu, gian lận thương mại tại khu vực cảng biển, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2018; xử phạt hành chính hơn 3,3 tỷ đồng. Trong đó có 13 vụ vi phạm về hàng quá cảnh, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Phần lớn vi phạm là vận chuyển hàng cấm, hàng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền và khai sai tên hàng so với thực tế về số lượng, chủng loại hàng hóa. Các vụ vi phạm bị phát hiện có số lượng hàng hóa khá lớn, hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.
Để ngăn chặn loại hình buôn lậu và gian lận thương mại này, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch 1412/KH-THQ về công tác “Tăng cường kiểm soát đối với hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất từ Việt Nam sang Campuchia”. Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý, đấu tranh với mọi phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại hoặc lợi dụng loại hình quá cảnh để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục Trưởng Chi cục HQCK cảng Cái Mép cho biết: Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay của ngành hải quan là theo quy định của pháp luật về hải quan, nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, cơ quan hải quan kiểm tra hàng hóa có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro. Nếu kiểm tra tràn lan, nhưng không đạt kết quả thì gây cản trở hoạt động thương mại hợp pháp không đạt được mục tiêu quản lý hải quan hiện đại. Vì vậy, để xác định đối tượng trọng điểm kiểm tra, ngành tiếp tục tăng cường đầu tư công sức, bố trí những cán bộ công chức có kinh nghiệm, nhạy bén về nghiệp vụ để triển khai công tác phòng chống buôn lậu theo chỉ đạo của cấp trên. Mặt khác, kiến nghị Tổng cục Hải quan sớm trang bị cho Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu một máy soi container để phục vụ cho công tác kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cảng Cái Mép.
Bài, ảnh: AN NHẬT