.

Khoa học - công nghệ là yếu tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Cập nhật: 19:37, 24/09/2019 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest vùng Đông Nam Bộ năm 2019 do Bộ KH-CN phối hợp với UBND tỉnh BR-VT tổ chức tại TP. Vũng Tàu, sáng 24/9, đã diễn hội nghị KH-CN và đổi mới sáng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Tham dự hội nghị có các ông: Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ.

Các ông: Chu Ngọc Anh (trái) , Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Nguyễn Hồng Lĩnh,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Các ông: Chu Ngọc Anh (trái) , Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Hội nghị với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đại diện các DN, các nhà khoa học vùng Đông Nam Bộ đã thảo luận, bàn các giải pháp nhằm đưa KH-CN góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Phần lớn DN sử dụng máy móc cũ kỹ, lạc hậu

Theo đánh giá của các đại biểu, những thành tựu của hoạt động KH-CN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2017-2019 cụ thể hóa khá đầy đủ các chủ trương, chính sách phát triển KH-CN phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của các địa phương. Hoạt động KH-CN của vùng luôn xác định DN là đối tượng trung tâm và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi, tạo ra bước đột phá về năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, mang lại thành công cho các DN. Mặc dù được đánh giá là “kim chỉ nam” cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, tuy nhiên mức độ đầu tư cho hoạt động KH-CN của DN còn hạn chế, chỉ 13% DN đầu tư cho hoạt động này với chi phí đầu tư hơn 10% doanh số. Báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: 75% DN sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các DNNVV vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ.

Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, mức độ đầu tư cho đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam vẫn còn thấp so với yêu cầu phát triển, tỷ trọng đầu tư cho KH-CN của DN chỉ khoảng 1% GDP và tập trung vào DN lớn. Khu vực DN tư nhân, đặc biệt DNNVV hầu như chưa tham gia vào hoạt động nghiên cứu và triển khai. Đa phần DN đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, do nhu cầu phát sinh trong quá trình kinh doanh, không có kế hoạch dài hạn, phương thức được sử dụng nhiều nhất lại là nguồn công nghệ nhập khẩu.

KH-CN sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong ảnh: Sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng đô thị tại Nhà máy Khoa học công nghệ Busadco (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa).
KH-CN sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong ảnh: Sản xuất vật liệu phục vụ ngành xây dựng đô thị tại Nhà máy Khoa học công nghệ Busadco (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa).

Tại BR-VT, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 15.000 DN còn đăng ký hoạt động, trong đó hơn 96% là DNNVV. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 DN được công nhận là DN KHCN. DN có bộ phận nghiên cứu phát triển hoặc có hình thành Quỹ phát triển KH-CN để triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong DN chủ yếu tập trung ở DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh BR-VT, trong thời gian gần đây, các DN đã bắt đầu chú trọng đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sản phẩm, mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, có thể thấy mặc dù có nhu cầu về đổi mới sáng tạo, nhưng DN gặp nhiều khó khăn, trong đó việc tìm kiếm, tiếp cận sự hỗ trợ của các cơ sở kỹ thuật, các nhà khoa học, chuyên gia để chuyển giao công nghệ, phát triển các sản phẩm, mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường…

Cần có chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ

Theo ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH-CN), hiện nay, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy DN hoạt động đổi mới sáng tạo thông qua các văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, để thúc đẩy DN đổi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế, cần rà soát hoàn thiện và triển khai các nội dung chính sách liên quan như: Triển khai Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Nghị định 76 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2018. Trong đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích DN tăng cường khả năng tự chủ sản xuất trong nước, ứng dụng và đổi mới sáng tạo như tăng cường hỗ trợ liên kết, chuyển giao kết quả nghiên cứu giữa tổ chức KH-CN với DN, khuyến khích hợp tác triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển kết cầu hạ tầng, hỗ trợ hoạt động giải mã công nghệ, làm chủ công nghệ…

Ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-CN
Cần có các giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH-CN
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh và BR-VT. 6/7 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, phát triển KH-CN, giáo dục đào tạo và thu hút đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội thì cần phải khắc phục khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH-CN. Đặc biệt, cần có các giải pháp mạnh mẽ để thu hút đội ngũ cán bộ KH-CN đầu ngành, nhà khoa học tài năng; cần có các giải pháp để tăng cường đầu tư cho KH-CN từ Nhà nước, xã hội và DN... Đồng thời, phải xác định DN là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT
KH-CN là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
Những năm qua BR-VT đã kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, các dự án có ứng dụng KH-CN cao, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, BR-VT hoàn toàn tự tin vào đường hướng phát triển. Tuy nhiên, để KH-CN là động lực thúc đẩy sự phát triển cho BR-VT nói riêng và các tỉnh, thành khác nói chung, Bộ KH-CN cần điều chỉnh các mô hình chính sách cho 3 đối tượng: Nhà nghiên cứu, nhà khoa học; DN ứng dụng KH-CN; thu hút dự án FDI có ứng dụng KH-CN. Khi các nhà khoa học, DN, nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi họ sẽ có động lực để sáng tạo, đổi mới, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất... Lúc đó KH-CN sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở KH-CN tỉnh Bình Phước, để KH-CN miền Đông Nam Bộ thật sự là động lực phát triển kinh tế xã hội, thì KH-CN phải luôn gắn liền với đổi mới sáng tạo, khơi dậy và phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức, DN, ngành KH-CN cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH-CN; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đột phá về khoa học; Không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các nhà khoa học, các DN, các tần lớp nhân dân phát huy tính sáng tạo, ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay như tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng sạch, vật liệu mới…, đặc biệt, là các giải pháp nâng cao năng suất lao động xã hội ở nước ta.

Bài, ảnh: PHAN HÀ - MINH TÂM

.
.
.