.

"Tiếp sức" cho doanh nghiệp cơ khí

Cập nhật: 18:43, 29/08/2019 (GMT+7)

Thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị, mở rộng sản xuất đang là vấn đề cản trở sự phát triển của DN. Trước thực trạng này, ngành công thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, tạo đà cho DN phát triển, xứng với những lợi thế đang có.

Thiếu vốn để đầu tư máy móc công nghệ, dẫn tới sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường là thực trạng của các DN cơ khí hiện nay. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH SX-TM-DV Nam Cường Đoàn Kết (TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).
Thiếu vốn để đầu tư máy móc công nghệ, dẫn tới sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường là thực trạng của các DN cơ khí hiện nay. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty TNHH SX-TM-DV Nam Cường Đoàn Kết (TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ).

97%  DN CƠ KHÍ LÀ “SIÊU NHỎ”

Ông Phan Hồng Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Gia Tuấn (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết:  Là DN chuyên sản xuất, thi công, lắp đặt các loại cửa cuốn, cửa nhôm, cửa kéo, cầu thang kính, DN cần phải đầu tư rất nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất như: máy cắt cửa nhôm 1 đầu, 2 đầu; máy cắt thanh nhôm tích hợp cắt ke, đo điện tử; máy cắt nhôm kính quay đa góc; máy dập nhôm… Tuy nhiên, các loại máy móc này đòi hỏi số vốn ban đầu khá lớn (từ 2-5 tỷ đồng) nên DN không có khả năng để đầu tư. Do đó, một số công đoạn trong sản xuất DN phải đặt hàng DN khác thực hiện. Điều này dẫn tới giảm lợi nhuận, DN thiếu chủ động trong sản xuất.      

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Trường Tín (804, đường 30/4, TP. Vũng Tàu) cũng phàn nàn, vừa qua, công ty có khá nhiều các đơn hàng về các sản phẩm như: mái đón kính, nhà xưởng tiền chế, cầu thang, lan can inox… Tuy nhiên, do các thiết bị máy móc chưa đáp ứng được nên công ty đã vuột mất nhiều cơ hội ký kết hợp đồng thực hiện các dự án tại các khách sạn, KDL lớn trong tỉnh.

Không riêng gì 2 DN trên, mà qua khảo sát các DN cơ khí cho thấy, hầu hết DN cơ khí đều nằm trong thực trạng chung là thiếu vốn, thiếu công nghệ; thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nhỏ lẻ, nguyên phụ liệu cho sản xuất còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu... Những khó khăn này dẫn tới ngành công nghiệp cơ khí phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Phần lớn máy móc, công nghệ của ngành cơ khí đã lạc hậu nên không làm ra sản phẩm có giá trị cao; chưa hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 434 cơ sở, DN cơ khí, trong đó tập trung chủ yếu tại TX.Phú Mỹ, TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Theo đánh giá của Sở Công thương, mặc dù cơ khí là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh nhưng các cơ sở, DN sản xuất cơ khí khá non yếu, nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiết bị sản xuất chưa đồng bộ, nguyên phụ liệu cho sản xuất còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu... Có đến 97% là các DN siêu nhỏ (70,31% có vốn dưới 1 tỷ đồng; 26,56% có vốn từ 1-10 tỷ đồng). Điều này dẫn tới ngành công nghiệp cơ khí phát triển không đồng đều, giá trị gia tăng thấp và khó hình thành được nhóm sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN

Tới đây, việc thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tác động không nhỏ đến ngành cơ khí. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác & tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Theo đó, ngành cơ khí sẽ tiếp tục gặp phải rất nhiều khó khăn và thử thách trong việc cạnh tranh với các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực ASEAN. Chính vì vậy, việc cải tiến máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra các mặt hàng có giá trị và sức cạnh tranh cao là điều hết sức cấp bách mà các DN cần phải quan tâm. Ông Phan Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Nam Cường Đoàn Kết (TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cho rằng: Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp cơ khí theo chiều sâu. Cụ thể như: hỗ trợ DN vay vốn để đầu tư, nâng cấp thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chủ động liên doanh, liên kết để trở thành nhà cung cấp chi tiết sản phẩm, là mắt xích trong phân công sản xuất, phân phối sản phẩm, giảm thiểu gia công cơ khí đơn thuần. Bởi vì đầu tư vào ngành công nghiệp cơ khí đòi hỏi vốn rất lớn lại chậm có lãi và thời gian thu hồi vốn dài, do đó ít DN dám mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.   

Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, để “tiếp sức” ngành công nghiệp cơ khí, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách phát triển công nghiệp, chính sách hỗ trợ cho DN sản xuất công nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các DNNVV, DN siêu nhỏ, các hộ sản xuất trong lĩnh vực cơ khí nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm cơ khí có khả năng cạnh tranh. Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các DN, các hộ sản xuất trong lĩnh vực cơ khí tiếp cận các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách đất đai, chính sách khoa học công nghệ, chính sách tài chính - tín dụng và các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước, của tỉnh; Tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu kinh nghiệm quản lý, tổ chức sản xuất sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm như: 5S, Kaizen, TQM… Đồng thời, thông qua các chương trình khuyến công, Sở Công thương sẽ ưu tiên hỗ trợ các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong lĩnh vực cơ khí. Phối hợp các ngân hàng đóng trên địa bàn tỉnh giới thiệu và hỗ trợ các DN, cơ sở cơ khí tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi dành cho các DNNVV, DN siêu nhỏ, các hộ sản xuất trong lĩnh vực cơ khí. Tổ chức các hội thảo, kết nối giữa các DN sản xuất với các cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh để các DN, cơ sở sản xuất có cơ hội trao đổi thông tin, nhu cầu, năng lực, qua đó tạo điều kiện cho DN tìm đầu ra cho sản phẩm…

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.