Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chiến lược, phương hướng KT-XH phải thể hiện rõ khát vọng phát triển

Thứ Năm, 22/08/2019, 20:43 [GMT+7]
In bài này
.

“Đánh giá tình hình cho đúng, cho sát, đồng thời có khát vọng phát triển, đặc biệt là tinh thần đột phá phát triển”, Thủ tướng nêu rõ tại cuộc họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII vào chiều 22/8.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG HIẾU

Đây là phiên họp thứ 5 của Tiểu ban gồm 51 thành viên nhằm xây dựng văn kiện kinh tế - xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển 5 năm 2021-2025.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp Thủ tướng đánh giá các dự thảo báo cáo đã đã bám sát đề cương chi tiết đã được Trung ương thông qua, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, mang tính tổng thể, toàn diện và khái quát cao, có tính kế thừa, đổi mới, nhiều ý tưởng mới sáng tạo.

Thủ tướng yêu cầu Tổ biên tập tiếp tục nghiên cứu, rà soát các nội dung để phù hợp với các dự thảo báo cáo chính trị khác đang được xây dựng, trong đó có vấn đề phát triển nhanh và bền vững, lấy phát triển nhanh để duy trì ổn định, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng thể chế... Về bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng lưu ý nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu, có xu hướng diễn biến khốc liệt hơn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu ý kiến góp ý về mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể trong các dự thảo báo cáo, đảm bảo căn cứ khoa học, thực tiễn, có phương pháp tính phù hợp, vừa có tính khả thi, vừa có tính phấn đấu cao.

Về mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị có nghiên cứu đề xuất mức tăng trưởng hợp lý, đủ để bảo đảm thoát bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, nhưng phải tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh việc làm rõ nét hơn về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới trong dự thảo báo cáo, Thủ tướng cũng đề nghị Tiểu ban làm rõ các động lực phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn tới như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, công nghệ thông tin, phát triển đô thị và liên kết vùng. Các dự thảo báo cáo cũng phải chú trọng các vấn đề xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; coi con người là trung tâm, là chủ thể, động lực của sự phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ, có sức chống chịu, khả năng cạnh tranh cao…

ĐỨC TUÂN

;
.