Thời gian qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Trần Văn Bảo (ấp Phước Lộc, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ) thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để chăn nuôi bò. |
Tại ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, 2 năm nay gia đình anh Mai Văn Đạt được người dân địa phương biết đến là gương mặt tiêu biểu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trước đây cuộc sống của gia đình anh chỉ tạm đủ ăn. Năm 2016, được Hội Nông dân huyện tạo điều kiện bình xét cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng thêm nguồn vốn huy động từ gia đình, anh bắt tay vào đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 10 con dê (2 con dê sinh sản và 8 con dê thịt) để nuôi theo mô hình nuôi nhốt. Nhờ chăm chỉ tìm tòi, áp dụng các kiến thức chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn và qua sách báo, hiện nay, mỗi năm anh nuôi 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 100-120 con, thu nhập khoảng 130-150 triệu đồng/năm. Nhờ tiết kiệm và tu chí làm ăn, đến nay anh Mai Văn Đạt đã xây được căn nhà khang trang hơn 100 triệu đồng, 2 con được ăn học đầy đủ.
Năm 2017, anh Trần Văn Bảo, một hộ nghèo chuẩn tỉnh tại ấp Phước Lộc, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ được Hội Nông dân xã Phước Hội tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện để chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, anh Bảo đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Đến nay, sau gần 3 năm chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên thành 12 con, trong đó có 4 con bò cái sinh sản. Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích hơn 500m2 vườn để trồng rau màu gồm các loại cải, mướp, bắp, đậu… vừa tăng thêm thu nhập vừa có nguồn thức ăn cho đàn bò. Hiện nay, thu nhập của gia đình khoảng 60-70 triệu đồng/năm, gia đình anh vươn lên thoát nghèo, số vốn vay của Hội Nông dân cũng đã trả hết, kinh tế gia đình ổn định. “Sắp tới đây, gia đình tôi dự định sẽ tìm thuê khu đất phù hợp, mua thêm đàn vịt về để nuôi lấy trứng, tăng thêm thu nhập”, anh Bảo cho biết thêm.
Tại huyện Đất Đỏ, với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế, đến nay địa phương đã hình thành được một số mô hình sản xuất và đang từng bước nhân rộng ra toàn xã như nuôi vịt trên sàn, trồng khoai mài, măng tây, mô hình trồng rau sạch… Ngoài ra, Hội Nông dân các xã còn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đồng thời giám sát chặt chẽ quá trình chăn nuôi của từng hộ dân. Chính nhờ sự thay đổi đáng kể trong tư duy không ít hộ nông dân ở đây đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Ông Nguyễn Văn Tốt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đất Đỏ cho biết: Tính đến tháng 3/2019, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã giải ngân nguồn vốn 2,7 tỷ đồng cho 105 cho hội viên vay vốn, thực hiện được 7 dự án sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra Hội cũng đã vận động gần 584 triệu đồng cho hội viên nông dân vay để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi dự án được vay từ 20-40 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,7%/tháng. Các hộ được vay đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Theo Hội Nông dân tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2019, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thẩm định và giải ngân hơn 4,6 tỷ đồng cho 137 lượt hộ hội viên nông dân vay theo 10 dự án, tập trung tại một số huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ… thuộc nhóm hộ liên kết sản xuất thực hiện các mô hình: chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, nuôi gà ta thả vườn, trồng tiêu, mô hình khai thác và chế biến thủy sản. Để bảo đảm an toàn nguồn vốn, trước khi tiến hành giải ngân cho vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp thẩm định 100% số hộ xin vay. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh còn có trách nhiệm trong việc tìm đầu ra của sản phẩm. Thường xuyên liên hệ với các DN, đơn vị hỗ trợ nông dân bằng việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tổ chức hoạt động tư vấn và đào tạo nghề cho hội viên, nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các mô hình trình diễn… giúp nông dân phát triển kinh tế, thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Theo ông Từ Thiệt Thuật, cán bộ Hội Nông dân xã Suối Rao (Châu Đức), đa số các hộ nông dân tại địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều rất tu chí làm ăn, sử dụng đúng mục đích. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với địa phương tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, phổ biến tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả để học hỏi. Đồng thời, thường xuyên đến từng hộ kiểm tra việc sử dụng vốn có đúng mục đích, hiệu quả hay không để tư vấn, điều chỉnh kịp thời.
Bài, ảnh: KIM HỒNG