.

Kỷ niệm 25 năm thành lập huyện Châu Đức: Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội

Cập nhật: 21:10, 22/08/2019 (GMT+7)

Huyện Châu Đức được thành lập ngày 15/8/1994, trên cơ sở tách ra từ huyện Châu Thành cũ của tỉnh BR-VT. Sau 25 năm xây dựng, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện không ngừng phát triển, hệ thống chính trị vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

Cơ cấu công nghiệp - TTCN huyện Châu Đức đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng khá. Trong ảnh: Sản xuất giày tại Công ty TNHH Sản xuất Giày Uy Việt trong KCN Đô thị Châu Đức.
Cơ cấu công nghiệp - TTCN huyện Châu Đức đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng trưởng khá. Trong ảnh: Sản xuất giày tại Công ty TNHH Sản xuất Giày Uy Việt trong KCN Đô thị Châu Đức.

LẤY THẾ MẠNH NÔNG NGHIỆP LÀM NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN

Từ khi mới thành lập, điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Châu Đức còn yếu và không đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn; các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội trong tình trạng kém phát triển; thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 2-3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 35% tổng số hộ dân toàn huyện...

Nhằm sớm đưa huyện thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trong những năm đầu, tại các nghị quyết, kế hoạch hành động, huyện Châu Đức vừa tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, vừa định hướng phát triển lâu dài trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, huyện đã đề ra nhiều chủ trương và biện pháp tổ chức lại sản xuất, đời sống, từng bước làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nhân dân, đồng bào các dân tộc.

ÔNG NGUYỄN CÔNG VINH, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CHÂU ĐỨC

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi vào nhiều lĩnh vực

Thời gian tới, huyện Châu Đức tiếp tục coi trọng kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Theo đó, huyện sẽ phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp; xây dựng vườn cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái. Trong đó, điểm nhấn là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, TTCN, thương mại và dịch vụ; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị; xây dựng các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; xây dựng chính sách, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi vào nhiều lĩnh vực phục vụ cho phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội.

 

Với điều kiện thuận lợi về đất đai, lao động… huyện đã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng xây dựng vùng chuyên canh, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đến nay, ngành nông nghiệp huyện đã phát triển vượt bậc, có nhiều mô hình phát triển hiện đại, sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Toàn huyện hiện có 90 trang trại chăn nuôi và trồng trọt. Trong đó, đã hình thành được 7,1ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau củ quả theo hướng an toàn; 2.000ha hồ tiêu được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; gần 900ha hồ tiêu liên kết với DN sản xuất theo quy trình VietGAP; gần 200ha ca cao, 230ha cây ăn quả được trồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 426ha chuối nuôi cấy mô trồng xen trong vườn cao su… Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp huyện đạt bình quân 3,6%/năm. Trên địa bàn huyện đã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động hiệu quả trong lĩnh nông sản như: Công ty TNHH TM- DV-SX Ca cao Thành Đạt (xã Xà Bang); Cơ sở sản xuất nấm Linh Chi Khánh Bình (xã Xà Bang), Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao U.S Farm (Trại nấm ông Tiên - xã Láng Lớn); Hợp tác xã Nông nghiệp Suối Giàu (nuôi cá chình)... Về chăn nuôi, hiện Châu Đức có 14 trang trại xây dựng chuồng nuôi khép kín; một số trang trại sử dụng các chế phẩm vi sinh, đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm.

Tranh thủ các nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2010, huyện Châu Đức nỗ lực triển khai tạo dựng các tiêu chí NTM tại 14 xã nông thôn trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã có 6 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 43% số xã, thị trấn. Thu nhập bình quân của người dân các xã NTM đạt khoảng 49 triệu đồng/người/năm tăng hơn 3 lần so với trước khi xây dựng NTM.

Ông Lê Văn Ánh (thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị) bày tỏ: “Nhờ xây dựng NTM, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Cù Bị được đầu tư kiên cố, khang trang, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống và thu nhập của các gia đình được cải thiện rõ rệt”.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện ngày càng hoàn thiện, nhiều công trình thủy lợi đầu mối quan trọng được xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả như: hồ Sông Ray, hồ Đá Đen, hồ Kim Long, hồ Tầm Bó, hồ Gia Hoét, hồ Đá Bàng… Đến nay, hệ thống giao thông nội vùng của Châu Đức khá hoàn chỉnh, 100% tuyến đường huyết mạch kết nối huyện với các địa phương khác và đường liên xã được thảm nhựa; hơn 90% đường liên thôn, ấp và tuyến hẻm, giao thông nội đồng đã kiên cố, bê tông hóa. Tổng chiều dài đường giao thông trên địa bàn hiện khoảng 903km, tăng 233% so với năm đầu mới thành lập.

Ông Nguyễn Văn Hùng (khu phố 4, TT.Ngãi Giao) bày tỏ: “Bộ mặt nông thôn, đô thị huyện Châu Đức hôm nay đã có nhiều khởi sắc. Nhiều tuyến đường trải nhựa rộng rãi kết nối liên huyện, liên tỉnh; hàng trăm con đường bê tông khang trang ở các địa bàn dân cư. Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa... được nâng cấp, xây dựng mới, đáp ứng kịp thời việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, học tập của người dân”.

Thời gian qua, huyện cũng tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, đặc biệt là sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, KCN Đô thị Châu Đức đã có 5 nhà đầu tư đi vào hoạt động, thu hút khoảng 2.500 lao động; CCN Ngãi Giao thu hút khoảng hơn 2.000 lao động; KCN Đá Bạc đang ngày càng hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng thu hút đầu tư. Ngoài ra, hiện trên địa bàn huyện còn có khoảng gần 900 cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh với tổng số lao động hơn 6.200 người; hơn 6.700 cơ sở, hoạt động kinh doanh TM-DV thu hút hơn 10 ngàn lao động tham gia.

Huyện Châu Đức được thành lập ngày 15/8/1994 theo Nghị định số 45/1994/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng diện tích đất tự nhiên gần 42.457ha. Toàn huyện hiện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Dân số hiện nay khoảng 163.770 người, trong đó có 54,3% dân số sinh sống bằng các hoạt động liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay khoảng 47 triệu đồng/người/năm.

Năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Đức được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

“Sau 25 năm thành lập, kinh tế huyện Châu Đức phát triển ổn định - bền vững dựa vào nền tảng nông nghiệp, công nghiệp - TTCN. Mức tăng trưởng kinh tế chung hàng năm gần 11%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện nay đạt mức 47 triệu đồng/người/năm, cao gấp 20 lần so với khi mới thành lập”, ông Nguyễn Công Vinh phấn khởi cho hay.

Kinh tế phát triển ổn định tạo điều kiện cho địa phương từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, sự nghiệp giáo dục được quan tâm đúng mức, toàn huyện hiện có 62 trường phổ thông được xây dựng kiên cố, hơn 80% trường học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện ngày càng tốt hơn, 100% xã, thị trấn của huyện có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Hiện có tới 92% gia đình trên địa bàn huyện đạt chuẩn gia đình văn hóa. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo được chú trọng; 100% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống trung bình trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2018 giảm chỉ còn 3,4%. Công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” giữa huyện và các xã, thị trấn được triển khai thực hiện hiệu quả.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.