Những năm qua, người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã bị “say” bởi những “con sóng” lên xuống của giá hồ tiêu, dù vậy người trồng tiêu vẫn tin tưởng vào loại cây trồng được ví như “vàng đen” này với hy vọng giá cả sẽ hồi phục trong thời gian tới.
Ngoài chú trọng khâu sản xuất, các chuyên gia nhận định, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu hồ tiêu BR-VT ra thị trường trong nước, quốc tế. Trong ảnh: Nông dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc giới thiệu quy trình sản xuất tiêu hữu cơ của mình với Đoàn khảo sát của Hội Hồ tiêu thế giới. |
Không chặt bỏ ồ ạt
Xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc là một trong những vùng trồng hồ tiêu chủ lực của huyện, với diện tích đỉnh điểm là gần 300ha. Thời gian qua, việc giá hồ tiêu giảm kỷ lục, khiến nhiều nông dân thua lỗ. Tuy vậy, diện tích hồ tiêu của Hòa Hội cũng chỉ giảm khoảng 20ha, vì nông dân vẫn chờ đợi giá sẽ tăng bật trở lại.
Bà Nguyễn Thị Lành, ấp 5, xã Hòa Hội đang trồng 1ha hồ tiêu. Bà Lành cho biết, trồng tiêu cần đầu tư lớn. Theo tính toán, chi phí đầu vào cho 1kg hồ tiêu (phân bón, công chăm sóc, thu hoạch) vào khoảng 55-65 ngàn đồng. Như vậy, nếu tính theo giá hiện nay, nông dân thua lỗ 2-10 ngàn đồng/kg. “Chăm bẵm kỹ lưỡng vườn tiêu cả năm trời, mà thua lỗ khiến tôi rất chán nản. Nhưng đất đai ở đây khó chuyển sang trồng cây gì cho năng suất cao. Hơn nữa, tôi vẫn hy vọng, giá tiêu sẽ tăng trở lại nên vẫn cố giữ vườn tiêu”, bà Lành nói.
Theo ông Lê Văn Tứ, chuyên viên phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện vào khoảng 7.000ha, giảm khoảng 200ha so với năm 2016. Ông Tứ cho rằng, giá hồ tiêu thấp kỷ lục nên diện tích tiêu giảm là hợp lý. Dù vậy, khác với một số địa phương trong cả nước, diện tích tiêu của huyện không giảm đột biến mà giảm chủ yếu do nông dân phải chặt bỏ các vườn cây mắc dịch bệnh chết nhanh, chết chậm… Đa số bà con vẫn giữ kỳ vọng với loại cây trồng này.
Hồ tiêu được ngành nông nghiệp xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của BR-VT. Trong ảnh: Nông dân xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức thu hoạch hồ tiêu. |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Dù gặp nhiều khó khăn, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn giữ niềm tin với cây hồ tiêu, với hy vọng loại cây công nghiệp này sẽ trở lại thời hoàng kim. Hồ tiêu cũng được ngành nông nghiệp tỉnh xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của BR-VT. Tuy nhiên, để ngành này phát triển bền vững, cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai) - HTX đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu trực tiếp hồ tiêu sang châu Âu và đang liên kết, thu mua hồ tiêu tại BR-VT, muốn phát triển bền vững, nông dân phải sản xuất được hồ tiêu sạch. Ông Luân cho biết: “Đứng dưới góc nhìn của DN thu mua hồ tiêu xuất khẩu, chúng tôi cho rằng, nếu nông dân giữ được quy trình sản xuất hữu cơ, cho ra sản phẩm sạch, thì tương lai của hồ tiêu không đến mức quá ảm đạm. Trong thời điểm này, nông dân nên xen canh hồ tiêu với các loại cây trồng khác, vừa bảo đảm được thu nhập vừa giữ được vườn tiêu”, ông Luân cho biết.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh, ngoài chú trọng vào sản xuất sản phẩm chất lượng, cần có các giải pháp vĩ mô để giúp phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến, xuất khẩu. Cụ thể, hồ tiêu BR-VT có chất lượng cao, được đăng ký thương hiệu trên thị trường nên giá loại nông sản này luôn cao hơn các tỉnh lân cận 2-3 ngàn đồng/kg. Dù vậy, không có DN trong tỉnh nào liên kết nông dân trong sản xuất hay thu mua, chế biến để xuất khẩu mà đều từ các tỉnh lân cận.. Bên cạnh đó, giá tiêu nông dân bán được cũng giảm nhiều do DN phải trừ vào chi phí thu mua, vận chuyển. Vì vậy, các cơ quan chức năng của tỉnh cần có thêm nhiều biện pháp để thu hút các DN tới BR-VT xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, các nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu. Khi đó, sản phẩm của nông dân sẽ có đầu ra, giá cả ổn định hơn.
Bài, ảnh: QUANG VINH