Khai thác cát sông diễn biến phức tạp

Chủ Nhật, 18/08/2019, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những năm gần đây, do mất cân đối cung - cầu thị trường về vật liệu xây dựng, cùng với lợi nhuận của việc khai thác khoáng sản trái phép khá cao, nên hoạt động khai thác cát, sỏi dưới sông trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy, trong thời gian tới, cần có biện pháp hữu hiệu hơn để tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi này.

NHIỀU VỤ KHAI THÁC CÁT KHÔNG PHÉP

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT không có khu vực quy hoạch, cũng như không có giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông còn hiệu lực. Đối với các dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy kết hợp thu hồi cát theo hình thức xã hội hóa, từ năm 2016 đến nay (giai đoạn lập quy hoạch khoáng sản 2016-2020) trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhưng nay đã hết hạn. Cụ thể: Dự án nạo vét khu nước dự kiến phát triển khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Bến Lội - Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); dự án nạo vét luồng hàng hải Thị Vải, đoạn từ cảng nhà máy thép Phú Mỹ đến cảng nhà máy xi măng Cẩm Phả (TX.Phú Mỹ); dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải Sông Dinh đoạn từ thượng lưu cảng Vina offshore 200m đến cặp phao số 15-20.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, trong 3 năm qua (2016, 2017 và 2018), các ngành chức năng và chính quyền các địa phương của tỉnh đã triển khai 2.220 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 477 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không phép, tịch thu 189 máy bơm hút cát, 4 máy đào và khoảng 14 ngàn m3 cát; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 12,4 tỷ đồng.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các ngành chức năng và địa phương đã triển khai 316 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 67 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, tịch thu khoảng 7,7 ngàn m3 cát; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ khối lượng 7,7 ngàn m3 cát tịch thu chủ yếu là các trường hợp khai thác cát dưới lòng sông.

Lực lượng chức năng kiểm tra khối lượng cát sông khai thác không phép đang vận chuyển trên tàu HD3899 được phát hiện, bắt giữ ngày 3/8 vừa qua. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Lực lượng chức năng kiểm tra khối lượng cát sông khai thác không phép đang vận chuyển trên tàu HD3899 được phát hiện, bắt giữ ngày 3/8 vừa qua. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Đơn cử như, ngày 25/6, tại khu vực sông Mỏ Nhát (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an phát hiện, điều tra và xử lý 7 tàu có hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép, gồm các tàu mang số hiệu BV 1274, LA 07294, LA 07366, LA 07142, HP 5959, BV 2979 và HD 2282. Tại thời điểm kiểm tra, 7 tàu đang chở khoảng 4.450m3 cát. Thuyền trưởng các tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp số cát trên và không có giấy phép khai thác theo quy định.

Trước đó, rạng sáng 16/2, cũng tại khu vực sông Mỏ Nhát (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ), lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt quả tang 3 phương tiện đang có hành vi khai thác cát trái phép khoảng hơn 40m3, gồm: 2 ghe bầu số hiệu BV 1332 do ông Trần Văn Kiềm (SN 1985, trú tại tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng; SG 7205 do ông Huỳnh Hồng Châu (SN 1973, trú tại tỉnh Long An) làm thuyền trưởng và sà lan BV 1646 do ông Lê Minh Tươi (SN 1980, trú tại tỉnh Long An) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, các thuyền trưởng này không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

ÁP DỤNG CHẾ TÀI MẠNH HƠN VỚI TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

Thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, trong những năm qua, UBND tỉnh đã triển khai kịp thời công tác này thông qua các hội nghị, các cuộc họp, trên các phương tiện thông tin đại chúng và triển khai bằng văn bản, cụ thể như: Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND ngày 1/4/2014 “Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh”; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 15/7/2015 “Về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh”; Các văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi dưới lòng sông.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm nêu trên, cho thấy hoạt động khai thác cát, sỏi dưới lòng sông trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn diễn biến phức tạp. “Thực tế cho thấy, các đối tượng khai thác cát dưới sông của tỉnh ngày càng manh động, hoạt động có tổ chức, cắt cử người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để đối phó, có trường hợp sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Ngoài ra, các đối tượng còn tổ chức khai thác cát trái phép ngoài giờ hành chính, trong các ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm, rạng sáng nhằm lẩn tránh lực lượng chức năng kiểm tra”, Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận định.

ÔNG LÊ TUẤN QUỐC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi
Để tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 142/TP-VPCP của Văn phòng Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành: Nghiên cứu báo cáo, đề xuất ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng và san lấp; các tiêu chuẩn sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng, từng bước thay thế cát tự nhiên. Tiến hành thanh tra một số dự án, công trình có khối lượng sử dụng cát, sỏi lớn, đặc biệt là cát san lấp, xác định nguồn gốc mua bán cát, sỏi.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói chung và khai thác cát, sỏi dưới lòng sông nói riêng trong một số trường hợp chưa nghiêm, chưa áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định như: tịch thu toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Mặt khác, nguồn cung ứng vật liệu san lấp, cát xây dựng phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, hệ thống đường liên cảng, cảng biển... còn thiếu hụt nhiều so với nhu cầu thực tế; một số mỏ khoáng sản nằm trong quy hoạch nhưng khó triển khai thực hiện cấp phép khai thác, một số mỏ đã được cấp giấy phép khai thác nhưng DN vẫn chưa triển khai việc khai thác vì còn vướng các thủ tục giải phóng mặt bằng... Do mất cân đối cung - cầu như vậy, cùng với lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép đem lại rất lớn, nên các vụ vi phạm vẫn tiếp tục xảy ra.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần sửa đổi, bổ sung chế tài mạnh hơn về xử phạt vi phạm hành chính và xử lý trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi trái phép để lực lượng chức năng áp dụng trong xử lý vi phạm; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”, theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát, sỏi trái phép dưới lòng sông.

THANH MỸ

;
.