Với số lượng tàu lớn, công suất cao, BR-VT được đánh giá có đội tàu mạnh, nhất là để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn, do đó, tỉnh đang tiến hành các biện pháp quy hoạch, nâng cao chất lượng đội tàu, nhằm cải thiện năng suất.
Ngoài thay đổi cơ cấu đội tàu, tỉnh còn chú trọng tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm và nâng cấp hệ thống cảng cá. Trong ảnh: Ngư dân ướp đá hải sản để vận chuyển đến nơi tiêu thụ tại Cảng Incomap (TP. Vũng Tàu). |
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 5.870 tàu cá với tổng công suất gần 1,5 triệu CV; tổng sản lượng đánh bắt năm 2018 đạt 336.828 tấn. Trong số này, có khoảng 2.900 tàu cá có chiều dài trên 15m, đánh bắt xa bờ theo quy định của Luật Thủy sản. Dù đội tàu lớn nhưng hiệu quả đánh bắt những năm gần đây sụt giảm cả về lượng và chất. Nguyên nhân chính là ngư trường cạn kiệt do các phương tiện đánh bắt tận diệt hoạt động mạnh. Điều này gây áp lực lớn, khiến nguồn lợi thủy sản của các vùng biển mà các tàu cá này hoạt động suy giảm nghiêm trọng.
Ông Trần Lớn (ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đang sở hữu cặp tàu lưới kéo công suất 800CV/chiếc. Ông Lớn cho biết, trước đây biển “giàu”, mỗi chuyến ra khơi của ông chỉ khoảng 1 tháng có thể thu lãi cả trăm triệu đồng, bạn ghe cũng được chia hàng chục triệu. Thế nhưng vài năm trở lại đây, mỗi chuyến biển phải tăng lên 3 tháng để tiết kiệm chi phí, nhưng thu nhập vẫn rất bấp bênh, thậm chí nhiều chuyến không có lãi.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ngoài các tàu lưới kéo hoạt động xa bờ, số tàu đánh bắt ven bờ và vùng lộng của tỉnh quá nhiều, đến hơn 2.900 chiếc. Trong đó, các phương tiện này đa số khai thác vào mùa sinh sản của thủy sản, khiến chúng không thể phục hồi. Có thể nói, dù tỉnh đang có đội tàu nhiều về số lượng, lớn về công suất; tuy nhiên, không phù hợp để phát triển bền vững. Do đó, tỉnh đã tiến hành quy hoạch lại đội tàu đánh bắt thủy, hải sản, trong đó, giảm số lượng, tăng chất lượng tàu. “Cụ thể, theo lộ trình, đến năm 2025, toàn tỉnh chỉ có khoảng 4.500 tàu cá, giảm 1.400 tàu so với hiện nay. Số lượng tàu cá giảm chủ yếu là tàu đánh bắt gần bờ. Tàu đánh bắt vùng khơi vẫn giữ số lượng khoảng 2.900 tàu. Với các ngành dịch vụ hỗ trợ, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức lại việc thu mua, bảo quản sản phẩm, tạo cầu nối giữa ngư dân và DN; xây dựng và nâng cấp các cảng cá theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được phát triển để hỗ trợ ngư dân trong việc giữ chất lượng thủy hải sản và giúp tàu đánh bắt giảm chi phí vươn khơi. Hiện, toàn tỉnh có 180 tàu dịch vụ, phù hợp với hạn ngạch được Bộ NN-PTNT cấp”, ông Nguyễn Đức Hoàng nói.
Mặc dù ủng hộ chủ trương của tỉnh về chuyển đổi phương tiện đánh bắt, tuy nhiên theo bà con ngư dân, cần thực hiện lộ trình cụ thể, bước đầu cho phép một nửa số tàu lưới kéo chuyển đổi sang hoạt động nghề khác, một nửa còn lại tiếp tục hoạt động nghề lưới kéo nhưng phải lắp đặt thiết bị thoát cá con. Ngoài ra, bà con ngư dân cũng yêu cầu cần có chính sách bao tiêu sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, cán bộ Thủy sản UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền - một trong những địa phương có đội tàu lưới kéo lớn nhất tỉnh, việc chuyển đổi không phải dễ dàng thực hiện ngay tức thì. Bà Cúc cho biết: “Để cải hoán sang loại hình khác, ngư dân phải tốn rất nhiều tiền, thậm chí vài tỷ đồng. Ngoài khó khăn về vốn, ngư dân cũng không chắc chắn sau khi chuyển đổi sẽ khai thác có hiệu quả. Vì vậy, khá nhiều bà con vẫn còn e ngại”.
Những năm gần đây, hoạt động đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn, do đó, tỉnh đang tiến hành các biện pháp quy hoạch, nâng cao chất lượng đội tàu, nhằm cải thiện năng suất. Trong ảnh: Tàu đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân Đất Đỏ chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: SA HUỲNH. |
Trước thực trạng trên, những năm gần đây, vấn đề tìm loại hình đánh bắt phù hợp, hiệu quả cao nhưng vẫn thân thiện với môi trường đã được đặt ra. Trước đây, ngư dân được vận động chuyển sang một số loại hình đánh bắt khác như câu, vây, rê… Trên thực tế, theo phản ánh của một số bà con đã chuyển đổi, hiệu quả đánh bắt vẫn chưa như mong đợi. Bên cạnh đó, vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã có khuyến nghị không nên chuyển đổi sang đánh bắt bàng lưới rê. “Do đó, tỉnh đã có liên kết, làm việc với Viên Nghiên cứu Hải sản phía Nam nhằm tìm ra ngành nghề đánh bắt mới, hiệu quả. Chúng tôi đã nghiên cứu, khảo sát và nhận thấy, nghề rập ốc, rập ghẹ xa bờ mang lại hiệu quả cao và không gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nên đã khuyến khích ngư dân đang hành nghề lưới kéo cải hoán. Thời gian qua, đã có khoảng 50 tàu lưới kéo chuyển sang phương thức đánh bắt này và bước đầu cho hiệu quả tốt. Cùng với đó, Chi cục đang chờ nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản trong những năm qua và dự báo trong những năm tới của Tổng cục Thủy sản để có khuyến cáo chính xác cho ngư dân. Bên cạnh đó, tỉnh đang nghiên cứu, khảo sát để phát triển hình thức nuôi biển giảm áp lực đánh bắt thủy, hải sản”, ông Nguyễn Đức Hoàng thông tin thêm.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN