Ngày 2/8, tại TP. Vũng Tàu, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh BR-VT và Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức hội thảo “Hiệp định EVFTA: Cơ hội tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và châu Âu”. Tham dự hội thảo có các ông: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; các DN châu Âu và Việt Nam.
Các ông: Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao (thứ hai, từ trái sang); Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 3 từ trái sang); Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) và Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham chủ trì hội thảo. |
NHIỀU LỢI THẾ
Theo các đại biểu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) được ký kết ngày 30/6 vừa qua, đã mở ra cơ hội hợp tác toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU. Bà Rịa-Vũng Tàu có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt; hệ thống cảng nước sâu hoàn thiện, hiện đại, đón được tàu trọng tải tới 200 ngàn tấn, là 1 trong 21 cảng trên thế giới đón được loại tàu này. Tỉnh có nhiều lợi thế so sánh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có nhiều dự án lớn của những công ty hàng đầu thế giới đã và đang đầu tư; có tiềm năng du lịch… Bà Rịa-Vũng Tàu cũng được đánh giá đi đầu trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là trong hợp tác với những đối tác quan trọng tại khu vực châu Âu. Đây là những lợi thế để Bà Rịa-Vũng Tàu có thể tận dụng tốt các cơ hội do EVFTA mang lại.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng may mặc sẽ được hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu vào châu Âu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May mặc Thăng Long kiểm tra sản phẩm ba lô xuất khẩu. |
Tính đến hết tháng 6/2019, tại Bà Rịa-Vũng Tàu có 347 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 34,2 tỷ USD; trong đó châu Âu có 68 dự án với tổng vốn 3,5 tỷ USD. Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham khẳng định, cộng đồng DN châu Âu coi Bà Rịa-Vũng Tàu là một địa phương chủ chốt, quan trọng hàng đầu để triển khai các hoạt động hợp tác khi Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và có hiệu lực.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những nội dung về các lĩnh vực cảng biển, hậu cần cảng, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chất lượng cao. Đây cũng là những lĩnh vực mà Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển và có khả năng tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
DN MỞ RỘNG ĐẦU TƯ
Ông Trịnh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Binon Cacao (huyện Châu Đức) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hạt ca cao vào thị trường châu Âu của DN khoảng 10 tỷ đồng/năm, chiếm 50% tổng doanh thu. Công ty đang tiếp tục tìm hiểu và tận dụng các lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA để đưa hàng hóa đến nhiều nước châu Âu hơn nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2019, dự kiến công ty sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu 400 tấn hạt ca cao, doanh thu 25-30 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian tới công ty dự định đầu tư nhà máy trong KCN để sơ chế, chế biến, với công suất khoảng 5 tấn/ngày.
Trong năm 2019, dự kiến Công ty CP Binon Cacao sẽ xuất khẩu sang thị trường châu Âu 400 tấn hạt ca cao. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Binon ca cao chế biến chocolate. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Nhìn nhận về cơ hội đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) phân tích: Mỗi ngày, tại cảng Cái Mép - Thị Vải có 2 tàu mẹ đi thẳng đến hai bờ nước Mỹ, 1 chuyến tàu lớn đi thẳng các nước châu Á, trung bình 3 ngày có một chuyến tàu đi thẳng châu Âu. Với tần suất này, Cái Mép - Thị Vải đang là một trong những cảng cạnh tranh nhất ở ASEAN, sau Malaysia và Singapore và đáp ứng được nhu cầu đi lại, làm hàng của các hãng tàu lớn khi cập cảng. Hơn nữa, việc hơn 80% lượng hàng hóa đến cảng Cái Mép - Thị Vải bằng đường thủy cũng giúp chi phí làm logistic của các DN rẻ hơn so với đường bộ; giảm ách tắc giao thông và tai nạn giao thông; bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc kết nối hơn 2 triệu container mỗi năm đi các cảng sông trong khu vực phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là lợi thế để các DN châu Âu tận dụng nếu đầu tư nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.
ÔNG BÙI THANH SƠN, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC BỘ NGOẠI GIAO Hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi ích to lớn EU là đối tác thương mại lớn thứ tư và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc độ tăng trưởng rất khả quan, bình quân tăng từ 15-20%/năm. Các nước EU đã có hơn 2.200 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 25 tỷ USD. Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA được ký kết đã mở ra cơ hội hợp tác toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của các địa phương, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Với việc xóa bỏ gần 99% thuế quan song phương và các cam kết sâu rộng về tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam và EU nói chung, Bà Rịa-Vũng Tàu và các DN EU nói riêng. Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hội nhập quốc tế và kết nối với các nhà đầu tư có tiềm năng, trong đó có các DN từ EU. ------------ ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH Tạo môi trường đầu tư tốt nhất Hội thảo này là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và đề xuất của DN châu Âu, qua đó tăng cường hiểu biết, tiếp cận kinh nghiệm phát triển của các nước, tranh thủ nguồn lực cho sự phát triển nhằm đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đối tác trọng điểm của DN châu Âu tại Việt Nam. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cam kết chú trọng, tăng cường hợp tác với các cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế nước ngoài; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sát cánh, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư trên con đường phát triển và hội nhập. Tỉnh cam kết tạo không gian đầu tư tốt nhất cho các DN nói chung, các DN châu Âu nói riêng. |
Thông tin tại hội thảo, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào châu Âu chỉ chiếm 0,81% về tỷ trọng, với 34,03 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là dệt may, da, giày; giày dép; cao su, máy móc. Dù tỷ trọng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vào thị trường châu Âu còn khiêm tốn nhưng tiềm năng phát triển thị trường tại các nước này là rất lớn. Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như các lợi thế khác, các DN phải đáp ứng những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu. “Tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể về cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất khẩu; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu. Đặc biệt, tỉnh cũng vừa thông qua đề án hỗ trợ DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do với 6 nhóm giải pháp cụ thể và toàn diện”, bà Bùi Thị Dung nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU