Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN và nhà đầu tư: Ưu tiên xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi

Thứ Năm, 08/08/2019, 20:38 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 8/8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã diễn ra hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với DN & nhà đầu tư năm 2019 nhằm lắng nghe các kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư, DN để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, nhà đầu tư, DN hiến kế, đề ra các giải pháp góp ý giúp cho tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư.

 

ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH

Luôn đón đợi ý tưởng kiến tạo của DN, nhà đầu tư

3 năm nay, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc với định hướng phát triển bền vững. Tỉnh đã mạnh dạn loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Nhờ vậy, kết quả thu hút đầu tư, nội lực DN, thu ngân sách tăng dần qua các năm. 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của BR-VT đạt hơn 51 ngàn tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 3 cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch một số khu vực. Thông tin quy hoạch sẽ công khai, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhân dân tiếp cận. Lãnh đạo tỉnh mong muốn DN sẽ có những đề xuất, những ý tưởng dự án phù hợp quy hoạch, thúc đẩy sự phát triển KT-XH tại địa phương.

Tham dự hội nghị có các ông:  Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. 

LÚNG TÚNG VIỆC NHẬN BÙN NẠO VÉT

Tại hội nghị, bà Lê Thị Thiên Kim, Giám đốc Hành chính Công ty TNHH Vard Vũng Tàu trình bày: Công ty hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu nên rất cần bến cảng có đủ độ sâu để neo đậu, hạ thủy tàu. Tuy nhiên, khu nước trước bến cảng của DN đã bị phù sa bồi lấp 2 năm qua. Hiện nay, ước lượng khối bùn cần nạo vét lên đến 45 ngàn m3. Đến nay, DN vẫn chưa xin được giấy phép nạo vét do thiếu các thủ tục điều kiện như: Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, xin giấy cấp phép nhận chìm ở biển, giấy phép giao khu vực biển… Tất cả những thủ tục trên phải xin ở Bộ TN-MT. Trong 2 năm qua, DN đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị các sở, ngành của tỉnh xin tháo gỡ. Tháng 3/2019, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp với các DN có cảng có nhu cầu nạo vét bùn tổng hợp ý kiến hợp khó khăn, vướng mắc và tìm vị trí tạm thời tại đất liền để nhận bùn nạo vét. Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng đã làm việc với Công ty TNHH Sao Mai, chủ đầu tư dự án đổ bùn thải 60ha nằm sát sông Mỏ Nhát. Tuy nhiên đến nay dự án này chưa được thực hiện khiến DN chưa thể xây dựng kế hoạch nạo vét cảng. Bà Thiên Kim kiến nghị các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhận bùn nạo vét tại khu vực sông Mỏ Nhát để các DN tiến hành nạo vét, làm sạch bùn đảm bảo độ sâu để tiếp nhận tàu thuyền trọng tải lớn neo đậu, làm hàng.

Ông Nguyễn Văn Biển, Giám đốc Công Điện lạnh Công nghiệp Toàn cầu Cool mong muốn có thêm nguồn vốn vay để mở rộng mở rộng kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Biển, Giám đốc Công Điện lạnh Công nghiệp Toàn cầu Cool mong muốn có thêm nguồn vốn vay để mở rộng mở rộng kinh doanh.

Cũng liên quan đến thủ tục nhận bùn nạo vét, bà Đặng Thị Kim Huế, Giám đốc Tài chính Cảng CMIT chia sẻ: Lượng bùn cần nạo vét tại cảng CMIT khoảng 30 ngàn m2. Trước khi nạo vét, DN phải làm thủ tục đánh giá tác động môi trường. DN tìm hiểu thì biết thủ tục này làm ở Sở TN-MT, song Sở lại trả lời phải xin Bộ TBN-MT. DN rất lúng túng, không biết cụ thể phải xin ở đâu, Bộ hay Sở TN-MT. DN rất mong được Sở TN-MT hướng dẫn giải quyết vì càng để lâu lượng bùn càng dày.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết: Hiện nay, do điều kiện tự nhiên khu nước trước bến của các Cảng trên địa bàn tỉnh bị sa bồi, không bảo đảm chuẩn tắc thiết kế, dẫn đến hoạt động tiếp nhận tàu ra vào cảng gặp khó khăn. Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục nhận chìm  vật chất ở biển theo quy định  của DN chưa thực hiện được. Do đó, Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai đã phối hợp với 20 đơn vị Cảng khảo sát và đề xuất được sử dụng khu đất giáp sông mỏ Nhát có diện tích 60 ha thuộc địa phận phường Phước Hoà, thị trấn Phú Mỹ để lưu chứa tạm vật chất nạo vét trong hoạt động nạo vét các DN Cảng trên địa bàn tỉnh.

Bà Đặng Thị Kim Huế, Giám đốc Tài chính Cảng CMIT nêu kiến nghị Sở TN-MT hướng dẫn thủ tục đánh giá tác động môi trường để làm thủ tục nạo vét cảng.
Bà Đặng Thị Kim Huế, Giám đốc Tài chính Cảng CMIT nêu kiến nghị Sở TN-MT hướng dẫn thủ tục đánh giá tác động môi trường để làm thủ tục nạo vét cảng.

Qua khảo sát khu đất Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai được dự kiến bố trí tiếp nhận vật chất nạo vét của các Cảng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng ghi nhận, khu đất này có khả năng tiếp nhận và lưu giữ tạm thời chất nạo vét của một số  công trình nào vét, duy tu cảng trên địa bàn tỉnh. Do đó, ngay sau hội nghị này, ngày 9/8 Sở TNMT sẽ báo cáo trình UBND tỉnh để xem xét quyết định. Tuy nhiên, trong thời gian lưu chứa tạm vật chất nạo vét trên bờ, các DN phải liên hệ Bộ TNMT, Tổng Cục Biển và Hải đảo để thực hiện đầy đủ thủ tục nhận chìm vật chất nạo vét ngoài biển theo đúng quy định.

KHÓ TIẾP CẬN VỐN NGÂN HÀNG

Ông Nguyễn Văn Biển, Giám đốc Công Điện lạnh Công nghiệp Toàn cầu Cool phản ánh: Công ty này thành lập tháng 4/2016, tiền thân là một cơ sở điện lạnh nhỏ lẻ. Để phát triển đủ khả năng đấu thầu thi công, cung ứng điện lạnh những dự án lớn, mở rộng khách hàng, Công ty rất cần vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, thủ tục vay, điều kiện vay tại các ngân hàng tương mại hiện nay rất khó khăn.

DN mong muốn tiếp cận dễ hơn với nguồn vốn ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HDbank, chi nhánh Vũng Tàu.
DN mong muốn tiếp cận dễ hơn với nguồn vốn ngân hàng. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HDbank, chi nhánh Vũng Tàu.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Thái Bình Dương cũng cho rằng, hiện nay DNNVV rất cần vốn làm ăn nhưng vay ngân hàng thương mại không dễ, thủ tục vay phức tạp. Trong khi rất nhiều nước trên thế giới đã triển khai ngân hàng số để rút ngắn thời gian, thuận tiện trong giao dịch. Do đó, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm giúp đỡ để các DNNVV dễ tiếp cận hoặc có những nguồn quỹ khác cho DN vay. 

Trả lời các phản ánh của DN, bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh BR-VT cho biết: Dư địa vốn của các NH trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Tính đến cuối tháng 7/2019, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 138.900 tỷ đồng, tăng 11,33% so với đầu năm. NH sẵn sàng “bơm vốn” cho DN nếu đáp ứng được điều kiện vay. Vì thế, các DN nếu vướng mắc ở khâu nào, thủ tục nào phải nói cụ thể để NHNN có hướng giải quyết. Lâu nay, rất nhiều DN phản ánh về việc khó tiếp cận nguồn vốn NH, tuy nhiên hầu hết các DN chỉ nói chung chung nên rất khó xử lý. Do đó, để giải quyết bức xúc này,  DN có thể gửi bằng văn bản hoặc thông qua đường dây nóng của NHNN phản ánh để được bộ phận chuyên môn hỗ trợ. Trường hợp DN đã đủ điều kiện vay mà bị NHTM “làm khó”, NHNN sẽ thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra và xử lý.

Cho ý kiến thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND lưu ý, thực tế đã có một số tỉnh nghiên cứu các nguồn quỹ hỗ trợ DNVVN. Do đó, Sở Tài chính cần linh động tìm hiểu và có những đề xuất, tham mưu phù hợp cho UBND tỉnh.

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ LÀ TRỌNG TÂM

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Long nhấn mạnh: Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được lãnh đạo tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Tỉnh luôn mong muốn kiến tạo được một môi trường đầu tư thuận lợi, năng động và hiệu quả đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị bảo đảm nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả. Tuy nhiên, việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, một số sự việc cụ thể vẫn còn bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của DN.  Do đó, sau hội nghị này, lãnh đạo tỉnh đề nghị DN, nhà đầu tư, đại diện các hiệp hội tiếp tục có những ý kiến hiến kế, góp ý nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Ông Nguyễn Thành Long thông tin thêm, trong hội nghị này, tỉnh đã tiếp nhận 26 ý kiến của 15 DN liên quan đến các vấn đề thuế, đất đai, tài nguyên môi trường… Sau hội nghị này, tỉnh sẽ phân loại ra từng lĩnh vực, yêu cầu các Sở, ngành liên quan và các địa phương làm việc với DN, nhà đầu tư, báo cáo UBND tỉnh để xử lý kịp thời.

Bài, ảnh: PHAN HÀ, ĐAN CHÂU

;
.