Sáng 19/8, Sở NN-PTNT tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương nhằm đánh giá diễn biến của dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá, công tác phòng, chống loại dịch bệnh này được các cơ quan chức năng thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn cần khắc phục.
Nhiều địa phương kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng, mức hỗ trợ đối với các trại chăn nuôi có heo mắc bệnh và người tham gia chống dịch. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tiêu hủy heo mắc dịch tả châu Phi tại phường 11, TP.Vũng Tàu. |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sau 2 tháng xuất hiện lần đầu tiên tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, dịch tả heo châu Phi đã lan ra 46 địa phương cấp xã thuộc 7 huyện, thị, thành; với gần 7,5 ngàn con, tổng trọng lượng gần 500 tấn đã buộc phải tiêu hủy. UBND các địa phương đã công bố dịch ở 4 địa bàn cấp xã là Bình Trung, Xuân Sơn, Xà Bang (huyện Châu Đức) và Phước Hòa (TX. Phú Mỹ). Hiện nay, dịch tả heo châu Phi tại BR-VT đã chuyển từ giai đoạn 1 (chỉ xảy ra tại các hộ nuôi heo rừng sử dụng thức ăn thừa và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ) sang giai đoạn 2 (xảy ra tại các hộ có quy mô chăn nuôi gia trại). “Thời gian qua, một trong những công tác quan trọng nhất là phòng, chống dịch đã được cơ quan thú y và các địa phương thực hiện tốt. Heo mắc bệnh, heo chết đều được tiêu hủy đúng quy trình hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Địa điểm tiêu hủy phần lớn tại phần đất của cơ sở chăn nuôi và một số địa điểm tập trung. Qua theo dõi, giám sát, chúng tôi chưa phát hiện hố chôn nào bị sụt lún, nứt gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Nhờ đó, tỷ lệ heo mắc bệnh/ tổng đàn chỉ khoảng 1,6%, thấp hơn nhiều so với nhiều tỉnh lân cận”, ông Nguyễn Lương Trai nói.
Theo phản ánh từ một số địa phương, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được khắc phục, tháo gỡ, thay đổi phương pháp thực hiện để tăng hiệu quả chống dịch. Ông Lê Văn Tứ, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, khi dịch bệnh mới xảy ra, các trạm kiểm dịch tạm thời có tác dụng lớn trong việc kiểm soát, không để heo mang dịch bệnh vào BR-VT. Tuy nhiên, đến nay, lượng xe vận chuyển qua một số tuyến đường gần như không còn. Nguyên nhân là nhiều xe chở heo “né” các trạm này vì đã nắm được vị trí. Trong khi đó, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch đang rất thiếu, do đó, huyện Châu Đức kiến nghị tỉnh nên nghiên cứu, đối với một số trạm kiểm dịch tạm thời không còn cần thiết có thể bỏ; tăng thêm nhân lực cho các đội tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý các phương tiện chở heo có dấu hiệu vi phạm. Ông Tứ cho biết: “Bên cạnh đó, sau quá trình thực hiện, nhiều trạng trại nuôi không đồng thuận việc một đội cơ động phun, xịt khử trùng đồng loạt do lo ngại vi rút lây lan từ trại này sang trại khác. Do đó, chúng tôi kiến nghị nên tính đến phương án cấp thuốc cho các trại nuôi để họ chủ động thực hiện tiêu độc, khử trùng tại trại của mình”.
Ông Trần Quang Long, Trưởng trạm Thú y huyện Long Điền thì cho rằng, còn chưa đến 1 tháng nữa sẽ đến đợt tiêm phòng dịch bệnh động vật lần 2 của tỉnh. Dù kế hoạch đã được xây dựng từ đầu năm nhưng do diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi nên một số điểm sẽ không còn phù hợp. Do đó, ngành thú y cần phối hợp với các địa phương chuẩn bị kỹ càng cho công tác tiêm phòng bởi điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế ảnh hưởng của các loại dịch bệnh dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, đa số các địa phương đều gặp một số vướng mắc khác như: Công tác xác định một số người chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ nào, là hộ nuôi nhỏ lẻ hay công ty con của DN lớn. Việc chi hỗ trợ cho lực lượng phòng, chống dịch cũng khó do quy định chưa rõ ràng đối với các nhóm khác nhau như cán bộ, công chức hưởng lương Nhà nước; cán bộ, nhân viên hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước; người không hưởng lương, phụ cấp; việc tìm kiếm địa điểm chôn, lấp heo bệnh tại một số đô thị.
Đối với một số khó khăn, vướng mắc trên, ông Huỳnh Thúc Tiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, Sở sẽ nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương xác định đối tượng, mức chi cho hỗ trợ người chăn nuôi và các đối tượng phòng, chống dịch. Về kiến nghị của huyện Châu Đức, ông Tiên nhận định là phù hợp và đề nghị huyện có báo cáo bằng văn bản về những trạm kiểm dịch tạm thời có thể tạm dừng hoạt động để trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, ông Tiên cũng yêu cầu các địa phương, nhất là vùng đô thị tiếp tục lập các đoàn khảo sát vị trí phù hợp để chôn lấp, xử lý heo chết do dịch tả heo châu Phi.
Bài, ảnh: QUANG VINH