Dệt may hoàn thiện quy tắc xuất xứ để tận dụng cơ hội

Thứ Hai, 19/08/2019, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dệt may được đánh giá là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, nếu không hoàn thiện quy tắc xuất xứ thì khó tận dụng được các cơ hội do CPTPP mang lại.

Công nhân Công ty TNHH DongIn Entech (huyện Đất Đỏ) trong giờ sản xuất.
Công nhân Công ty TNHH DongIn Entech (huyện Đất Đỏ) trong giờ sản xuất.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác. Việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Đây thực sự là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Chẳng hạn, dệt may đang được kỳ vọng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP, châu Âu. Đơn cử, Canada - một trong các thị trường cam kết sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng dệt may Việt Nam theo lộ trình. Cụ thể, 42,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch còn lại có thuế 0% vào năm thứ 4. 

Tuy nhiên, nếu như trong các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1 - 2 công đoạn thì hiệp định CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Nhiều DN dệt may cho biết, các quy định này đặt ra không ít thách thức. Trong đó, quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP chính là điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may bởi phần lớn các DN lĩnh vực này vẫn đang nhập nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất, xuất khẩu, trong đó nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn xơ sợi, 80% vải. Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May Vũng Tàu cho biết, dù có nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP và các nước châu Âu, ngành dệt may cũng đang gặp khó khăn. Trước mắt, khi CPTPP được thực thi các đơn hàng ở các nước trên thế giới sẽ đổ dồn về Việt Nam, đặc biệt là các nước trong khối CPTPP. Nhưng muốn đáp ứng được các yêu cầu thuế suất bằng 0% như hiện nay thì phải đáp ứng được xuất xứ của sợi. Như vậy, để được hưởng thuế suất 0%, DN phải đáp ứng xuất xứ về sợi phải là kéo sợi, dệt, nhuộm thành vải, sau đó đến công đoạn cắt may, đóng gói và xuất khẩu. Trong khi đó, 95% DN dệt may hiện nay phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, thì xuất xứ vải không đáp ứng được.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, về ngắn hạn CPTPP tạo ra thách thức đối với DN dệt may do các DN này còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài CPTPP. Tuy nhiên về dài hạn CPTPP được kỳ vọng tạo ra quy mô đủ lớn để kích thích DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nhuộm, dệt hoàn tất hình thành chuỗi liên kết ngành dệt may từ sợi đến vải và may. “Chúng tôi nghĩ rằng tương lai cơ hội sẽ rất lớn cho các DN dệt may trong nước và BR-VT phát triển, hoàn thiện chuỗi cung ứng của ngành dệt may từ sợi, đến dệt vải và cắt may. Nguyên nhân bởi rất nhiều DN lớn về sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đã chuyển dịch những hoạt động của họ về Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam cũng quan tâm đầu tư cho nguyên liệu, kéo dài chuỗi sản xuất hàng hóa khép kín. Đây là tín hiệu tốt để DN trong nước có nguồn cung nguyên liệu đáp ứng theo yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để xuất sang thị trường CPTPP”, ông Quý cho biết thêm.

Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, các mặt hàng xuất khẩu dệt may, da, giày có nhiều tiềm năng phát triển thị trường tại các nước trong khối CPTPP và các nước châu Âu. Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như các lợi thế khác, các DN của tỉnh phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của các thị trường này. “Nắm bắt những thuận lợi, khó khăn khi DN tham gia sân chơi lớn này, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể về cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ các khó khăn về thủ tục xuất khẩu; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, tỉnh cũng vừa thông qua đề án hỗ trợ DN thực hiện các hiệp định thương mại tự do với 6 nhóm giải pháp cụ thể và toàn diện”, bà Bùi Thị Dung nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.