Lượng xe ra vào bến liên tục, nhất là những ngày cuối tuần, lễ, Tết. Khu vực xung quanh dân cư đông đúc nên thường xuyên ùn tắc cục bộ phía trước bến xe vào giờ cao điểm trưa và chiều. Nhằm giải quyết tình trạng trên, mới đây, Sở GT-VT đã đề xuất UBND tỉnh vị trí đầu tư, xây dựng Bến xe Vũng Tàu mới tại phường 12.
Khách mua vé xe tại Bến xe Vũng Tàu. |
Có mặt tại Bến xe Vũng Tàu ngày giữa tuần, chúng tôi ghi nhận lượng khách đi lại không nhiều, nhưng mỗi lần xe vào bến, phần đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa phía trước bến xe luôn ùn ứ cục bộ. Chị Trần Thanh Xuân (ở chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đối diện Bến xe Vũng Tàu) cho hay: 2 block chung cư đối diện bến xe có hơn 600 căn hộ, cộng với cư dân xung quanh và lượng xe di chuyển trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa khá nhiều. Ngày thường chủ yếu kẹt xe vào buổi trưa và cuối buổi chiều. Đến cuối tuần, lễ, Tết, khi xe vào bến liên tục, lưu thông qua lại đoạn đường này rất khó khăn, gần như cả ngày đều có xe dồn ứ. “Chưa kể, có nhiều xe không vào bến trả khách mà tấp ngay vỉa hè hoặc đi vào con đường ngách dẫn vào chung cư càng khiến giao thông lộn xộn. Ở gần bến xe thì thuận tiện cho việc đi lại đấy nhưng nguy cơ mất an toàn giao thông luôn tiềm ẩn. Tôi không dám cho con chơi trên vỉa hè chung cư, đi bộ hoặc xe đạp ở đoạn đường này vì sợ tai nạn”, chị Xuân nói.
Lượng xe ra vào Bến xe Vũng Tàu tăng dần. Trong ảnh: Một góc Bến xe Vũng Tàu. |
Vào phía bên trong bến, khu vực bãi có hàng trăm xe đậu, đỗ chờ vận chuyển khách đi các tỉnh. Các phương tiện được sắp xếp, bố trí hợp lý theo khu vực và từng tuyến. Tuy nhiên, khu nhà điều hành, quầy bán vé khá chật chội. Khu ghế chờ cho khách cũ kỹ, ngột ngạt. Ngồi đợi xe đi TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Khánh (ở đường Hồng Bàng, quận 5, TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, hạ tầng kỹ thuật bến xe quá cũ, nhà chờ nóng nực, nơi thư giãn cho khách ngồi đợi thiếu, Bến xe Vũng Tàu chưa xứng tầm với thành phố du lịch. “Thiết nghĩ, BR-VT cần di dời bến xe đến một vị trí rộng rãi hơn, quy mô với thiết kế đẹp để không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du khách mà còn trở thành điểm nhấn kiến trúc đô thị du lịch”, ông Khánh bày tỏ.
Theo ông Đỗ Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Bến xe tỉnh, từ đầu năm đến nay mỗi ngày trung bình có hơn 400 chuyến xe xuất bến. Cuối tuần, lễ, Tết lượng xe tăng thêm 30%. “Diện tích bến xe chỉ gần 2ha nên các phân khu dịch vụ, bến bãi không thể mở rộng được. Quá trình quản lý, chúng tôi đã thấy bất cập trên và đã kiến nghị cơ quan chủ quản di dời bến xe đến địa điểm rộng hơn”, ông Đỗ Thành Nghĩa cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, trước tốc độ phát triển của du lịch và gia tăng dân số cơ học, từ nhiều năm trước, việc di dời Bến xe Vũng Tàu ra khỏi trung tâm thành phố đã được tỉnh bàn tính. Năm 2005, Quyết định số 484 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết vận tải, bến xe, điểm đỗ, điểm dừng phục vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, bến xe khách liên tỉnh TP. Vũng Tàu được quy hoạch tại phía Nam đường ven biển, cách vòng xoay 51B-C khoảng 700m thuộc địa bàn phường 12. Ngày 17/5/2019, tại Quyết định 1245 của UBND tỉnh phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch bến xe khách và đấu nối bến xe khách vào hệ thống Quốc lộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng xác định vị trí khu đất xây dựng bến xe nằm bên phải Quốc lộ 51 hướng từ TP.Vũng Tàu đi TP.Bà Rịa, gần nút giao Ẹo Ông Từ trên diện tích 5ha.
Trong tháng 6, UBND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực trạng khu đất trên và khu đất tiếp giáp giữa đường Hàng Điều - 3/2 (2,5ha). Giữa tháng 8, thừa lệnh UBND tỉnh, Sở GT-VT tổ chức họp lấy ý kiến các sở XD, TNMT, Du lịch, KH-ĐT và UBND TP.Vũng Tàu về vị trí đất phù hợp di dời bến xe. Tại cuộc họp, các sở, địa phương cung cấp thông tin vị trí đất tiếp giáp giữa đường Hàng Điều - 3/2 (2,5ha) thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở số 2 được UBND TP.Vũng Tàu phê duyệt năm 2010, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch nếu làm bến xe. Bên cạnh đó, khu vực này gần các trường như: THPT chuyên Lê Quý Đôn, CĐ Kinh tế Kỹ thuật, Trung cấp Nghề GT-VT nên việc tính toán tổ chức giao thông phải hợp lý mới đảm bảo an toàn lưu thông.
“Đối với khu đất gần Eọ Ông Từ, không những phù hợp quy hoạch xây dựng của Sở Xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của Sở TNMT và quy hoạch chung của UBND TP.Vũng Tàu, vị trí trên còn thuận lợi về kết nối giao thông vì ngay cửa ngõ ra vào thành phố, thuận tiện đưa đón, trung chuyển khách. Do đó, ngày 21/8, Sở GT-VT đã đề xuất UBND tỉnh chọn vị trí trên cho Bến xe Vũng Tàu”, ông Chí cho biết.
Ông Chí thông tin thêm, khi có bến xe mới, khu đất Bến xe Vũng Tàu hiện hữu sẽ được sử dụng làm bến xe buýt và các phương tiện trung chuyển khách vào trung tâm thành phố, giúp giảm tải lượng xe khách lưu thông trong nội ô và chấm dứt tình trạng ùn ứ, lộn xộn tại Bến xe Vũng Tàu hiện nay.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA