Sáng 1/8, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 500 đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương, DN trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát HDND tỉnh giám sát công tác BVMT tại trại chăn nuôi bò Anh Khải Ký (xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) vào cuối năm 2018. |
NHỮNG ĐIỂM SÁNG
Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TNMT cho biết, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường (ONMT) trên địa bàn tỉnh tập trung ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến hải sản; luyện, cán thép… Sau hơn 1 năm triển khai Chỉ thị 27-CT/TU, công tác quản lý, BVMT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể có 20/32 nhiệm vụ, giải pháp đã được các ngành, địa phương thực hiện; 12/32 nhiệm vụ, giải pháp đang tiếp tục được thực hiện theo tiến độ, chủ yếu liên quan đến nhiệm vụ, dự án, đề án để cải thiện, khắc phục ô nhiễm, phục vụ di dời các cơ sở gây ONMT. Còn có 38 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo kế hoạch và thường xuyên. Một số nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên, tập trung thực hiện có nhiều chuyển biến tích cực như: Chất lượng nước của các hồ cấp nước sinh hoạt được kiểm soát chặt chẽ và được theo dõi bảo vệ nghiêm ngặt; công tác cải thiện ô nhiễm khu vực đầm nước Cống số 6 (TX. Phú Mỹ) không để ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thuỷ sản lồng bè trên sông Chà Và đang được khẩn trương hoàn thành; 27/33 cơ sở có lưu lượng xả thải lớn đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động về Trung tâm điều hành quan trắc tự động tỉnh để giám sát.
Năm 2019, tỉnh đã xác định ưu tiên xử lý 6 “điểm nóng”, bao gồm: Bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ cấp nước sinh hoạt; hoạt động của các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi heo; hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên; hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại KCN Phú Mỹ I, II; hoạt động chế biến hải sản khu vực Cửa Lấp; hoạt động chế biến hải sản khu vực Tân Hải.
Trong khi đó, tại các địa phương cũng đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị 27. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, là địa phương tập trung nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Huyện đã hỗ trợ cho 985 hộ chăn nuôi xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải; đồng thời khoanh vùng và di dời toàn bộ các trại chăn nuôi ở đầu nguồn sông, suối có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Đến nay toàn huyện có 2.099 hộ/2.843 hộ chăn nuôi heo và chăn nuôi vịt quy mô nông hộ đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải biogas, đạt tỷ lệ 73,83%, tăng gần 20% so với trước khi thực hiện Chỉ thị 27.
XÁC ĐỊNH 11 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Tuy nhiên, theo ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Chỉ thị 27 đề ra nhưng chưa giải quyết dứt điểm. Đó chính là tình trạng ONMT từ hoạt động chăn nuôi, chế biến hải sản chậm khắc phục; ONMT từ các khu dân cư vẫn khiến người dân băn khoăn; hoạt động xử lý chất thải tại các điểm nóng như Tóc Tiên, Côn Đảo vẫn còn là nỗi bất an cho người dân sống xung quanh; tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
ÔNG NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
BVMT là nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển bền vững. Với việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU, nhận thức của đội ngũ CBCC, người dân và DN đã chuyển biến tích cực, thông điệp về BVMT đã được truyền đi sâu rộng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu mà Chỉ thị 27-CT/TU đã đề ra, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm, sâu sát hơn nữa của từng lãnh đạo, CBCC, người dân và DN. Cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bộ máy và cả xã hội trong việc BVMT. Nâng cao hiệu quả kiểm soát và xử lý môi trường, từng điểm đen về môi trường phải được nhận diện và có lộ trình, biện pháp xử lý dứt điểm, không để kéo dài, phải ưu tiên dành nguồn lực để xử lý các vấn đề về môi trường một cách triệt để nhằm bảo đảm môi trường sống tốt nhất cho người dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn và khả năng hành động của đội ngũ cán bộ, từng người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải sâu sát thực tiễn, kịp thời phát hiện các điểm đen, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Ngoài ra, cần phát huy tốt vai trò của mặt trận, các đoàn thể và người dân trong việc tham gia chung tay BVMT. |
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TNMT thừa nhận, nhiệm vụ phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ONMT là nhiệm vụ cần thời gian thực hiện lâu dài, từng bước, từng giai đoạn và đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nhưng nguồn vốn của tỉnh để đầu tư cho công trình BVMT còn hạn chế, chưa đáp ứng cùng lúc để triển khai các dự án. Cụ thể, “Đề án xử lý ô nhiễm 2017-2020” cần nguồn vốn đến 8.255 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của tỉnh cần khoảng 3.397 tỷ đồng; nguồn vốn đề nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 1.989 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương còn chậm, bị động trong việc thực hiện các dự án trọng điểm BVMT đã được UBND tỉnh giao. Một số người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương chưa thực sự nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác BVMT dẫn đến vẫn còn tình trạng các cơ sở xây dựng trái phép, hoạt động gây ONMT chưa được xử lý kịp thời.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, Sở TNMT đã đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm cần phải quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Đẩy mạnh truyền thông về BVMT; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thu hút đầu tư có chọn lọc; bảo vệ nghiêm ngặt các nguồn cấp nước sinh hoạt; phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ô nhiễm đối với hoạt động nông nghiệp; phòng ngừa, cải thiện, khắc phục ô nhiễm đối với một số hoạt động công nghiệp; quản lý, thu gom, xử lý chất thải, khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường đối với hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường trong khu dân cư, đô thị; quản lý đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản; bảo đảm hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường.
Bài, ảnh: QUANG VŨ