Bộn bề nỗi lo trước giờ G
Ngư dân thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) vận chuyển cá vào bờ. |
Theo Bộ NN-PTNT, đầu tháng 11/2019, đoàn thanh tra Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Như vậy, chỉ còn hơn 3 tháng nữa, cùng với các địa phương ven biển của cả nước, BR-VT phải hoàn tất việc khắc phục các khuyến nghị của EC.
NHIỀU GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT
Hơn 2 năm qua, BR-VT đã triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt nhất các khuyến nghị EC đưa ra để sớm gỡ “thẻ vàng”. Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chi Cục trưởng thủy sản tỉnh cho biết, từ tháng 3/2018, Sở NN-PTNT đã thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá: Bến Đá, Cát Lở (TP.Vũng Tàu), Tân Phước, Hưng Thái (huyện Long Điền), Lộc An (huyện Đất Đỏ) và Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Các cảng cá cũng đã đầu tư, lắp đặt các thiết bị cần thiết để kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý tàu cá với cơ quan chức năng.
Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho ngư dân về vùng đánh bắt hợp pháp. Ảnh: QUANG VINH |
Cùng với việc tăng cường kiểm tra tàu cá tại cảng, ngành thủy sản còn đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên biển. Cuối tháng 12/2018, tỉnh đã ban hành quy định xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, các tàu đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị xóa đăng ký vĩnh viễn; các chủ tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, không cho đóng mới thay thế tàu cá... Riêng đối với những tàu cá từng vi phạm vùng đánh bắt trước đây, các chủ tàu, thuyền trưởng phải cung cấp đầy đủ giấy tờ, sổ nhật ký nếu không sẽ bị cấm biển. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng bắt buộc các chủ tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định, trong đó phải cập nhật đầy đủ thông tin về vùng biển đánh bắt, loại ngư lưới cụ, thời gian bỏ lưới, thời gian kéo lưới, tên và trọng lượng loại hải sản đánh bắt… Tính đến nay, đã có khoảng 60-70% trên tổng số 300 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên trên địa bàn tỉnh đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Các loại tàu cá nhỏ hơn, có chiều dài từ 15-24m cũng được cơ quan chức năng yêu cầu lắp các thiết bị giám sát. Ngành thủy sản sẽ không cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác đối với những tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho nguời dân về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác IUU và Luật Thủy sản cũng được các địa phương đẩy mạnh. Ông Huỳnh Văn Đảo, chủ cặp tàu lưới kéo 480CV tại ấp Phước Lộc, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, qua các buổi tập huấn, tuyên truyền ngư dân chúng tôi nắm bắt được đầy đủ các quy định của pháp luật về vùng biển đánh bắt, trang bị thiết bị giám sát hành trình cũng như ghi nhật ký khai thác. Hiện nhiều ngư dân đã chấp hành nghiêm túc, đầy đủ hơn trước.
“Thẻ vàng” của EC gây ảnh hưởng rất lớn đến tương lai ngành chế biến hải sản xuất khẩu. Trong ảnh: Chế biến hải sản tại Công ty Baseafood. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
NHƯNG VẪN KHÔNG ÍT THÁCH THỨC
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, sau gần 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm độ tin cậy. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn hạn chế cũng như việc thực thi pháp luật chống khai thác IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu... Đặc biệt, còn 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng, trong đó nổi lên là tình hình tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép vẫn phức tạp. Hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi; cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực cho quản trị còn hạn chế.
Tính đến nay, toàn tỉnh BR-VT có gần 6.000 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó có 2.898 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác xa bờ với các nghề: lưới vây, lưới rê, câu, chụp mực, lưới kéo… Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện phương tiện đánh bắt xa bờ thường vi phạm vùng chồng lấn trên biển chủ yếu hành nghề lưới kéo. Do đó, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là cơ cấu lại đội tàu, ngành nghề khai thác, tiến tới chấm dứt hoạt động nghề lưới kéo.
Ngày 23/10/2017, EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá. Theo dự kiến đầu tháng 11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 4 nhóm khuyến nghị gồm: Khung pháp lý; Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; Thực thi pháp luật; Truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác. |
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc NN-PTNT cho biết, hiện tỉnh BR-VT đang khẩn trương khắc phục “thẻ vàng”, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng lộ trình chuyển đổi nghề tàu lưới kéo và tàu khai thác hải sản ven bờ, hướng tới chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn ngư dân đầu tư thiết bị đánh bắt chọn lọc, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt và bảo quản thủy sản đánh bắt để nâng cao giá trị. Đồng thời tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để xúc tiến đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh sang khai thác hợp pháp tại vùng biển nước ngoài theo đề án của Bộ NN-PTNT về phát triển nghề khai thác viễn dương. Đồng thời, ngành chức năng cũng yêu cầu các tàu cá hoạt động trên biển phải bật thiết bị thông tin liên lạc 24/24 để cơ quan chức năng giám sát kịp thời phát hiện, cảnh báo các tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài. Song song đó, hiện Sở NN-PTNT cũng đang rà soát, kiểm tra lại chất lượng hoạt động của hệ thống các cảng cá trên địa bàn tỉnh để xây dựng kế hoạch kêu gọi xã hội hóa, đầu tư nâng cấp các cảng cá đạt yêu cầu.
VÕ THANH