Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Liên kết để phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Ba, 16/07/2019, 17:31 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 16/7, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP. Hồ Chí Minh.  

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế -  Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII với các địa phương vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: QUANG HIẾU

Tại buổi làm việc, các địa phương đã nêu lên những tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng cũng như từng tỉnh, đồng thời nêu một số nút thắt trong phát triển cần tháo gỡ thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, liên kết vùng ĐBSCL thời gian qua còn yếu, thể hiện ở cơ chế phối hợp và hạ tầng giúp liên kết vùng. Các địa phương mong muốn sớm khắc phục điều này từ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ tới đến xây dựng cơ chế hoạt động hiệu quả cho hội đồng vùng.  

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong những vùng có đất đai màu mỡ, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Đây là thế mạnh mà vùng tiếp tục phải khai thác để thúc đẩy phát triển. Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức đối với vùng, như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; liên kết vùng còn hạn chế; thu ngân sách chưa đạt yêu cầu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, khoảng cách giàu nghèo so với một số vùng khác có xu hướng gia tăng.  

Thủ tướng gợi ý tầm nhìn đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL. Theo đó, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và chiến lược chung của cả nước đến năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL, phát triển nhanh, bền vững và có bước đột phá một số lĩnh vực để không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt. 

Để làm được điều đó, theo Thủ tướng, phải có một số giải pháp đột phá cả về tư duy, hành động để đồng bằng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt đối với vùng. Vì vậy, một số giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới. Thủ tướng cũng cho rằng, vùng cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch phát triển, trong đó cần bổ sung 45 ngàn tỷ đồng đầu tư từ nhiều nguồn. Cùng với đó cần xã hội hóa trong phát triển hạ tầng của vùng, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng đô thị theo chuỗi, tạo điều kiện cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế; triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 120 theo hướng thuận thiên, giải quyết vấn đề cấp bách của vùng và đời sống của người dân.

ĐỨC TUÂN

;
.