Thay thế túi ni lông bằng cách nào?

Thứ Sáu, 12/07/2019, 20:09 [GMT+7]
In bài này
.

Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng đã và đang có những động thái tích cực trong việc “chống rác thải nhựa” nhằm bảo vệ môi trường khi vận động người dân không sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn: Không dùng túi ni lông thì dùng sản phẩm nào để thay thế.

Người dân chọn mua rau, củ được gói bằng lá chuối tại Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH
Người dân chọn mua rau, củ được gói bằng lá chuối tại Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH

Túi polyetylen (PE) hay còn gọi là túi ni lông ra đời vào những năm 50 của thế kỷ 20 do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Từ sau khi được sản xuất và sử dụng tại Việt Nam, đến nay túi ni lông trở thành đồ dùng phổ biến trong đời sống xã hội vì tính tiện lợi, giá rẻ.

Tuy nhiên, túi ni lông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Các nhà môi trường, khoa học cảnh báo, quá trình phân hủy hoàn toàn túi ni lông có thể mất từ 500 - 1.000 năm. Vấn đề đối với túi ni lông là chúng không phân hủy thành các chất vô hại, mà phân hủy chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài, chứa nhiều độc tố. Dù đã phân hủy và lẫn vào đất thì chất nhựa PE sẽ làm đất bị trơ, không giữ được nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Không kể những tác hại môi trường mà các thế hệ sau phải gánh chịu, túi ni lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp với người sử dụng: Làm tắc các đường dẫn nước thải, gây ngập úng, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Túi ni lông cũng đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người vì nó chứa chì, cadimi… (có trong mực in tạo màu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi. 

Tuyên truyền, vận động người dân không sử dung túi ni lông là giải pháp quan trọng và cần thiết. Nhưng đây mới là điều kiện cần. Vì nếu không sử dụng túi ni lông thì người dân dùng sản phẩm thân thiện môi trường nào để thay thế là vấn đề cần được giải quyết thấu đáo. 

Trước khi có túi ni lông, khi túi ni lông chưa được sản xuất nhiều (thập niên 90 của thế kỷ 20 trở về trước), miếng thịt, chiếc bánh… đều được bao gói bằng lá sen, lá chuối, tờ báo rồi để chung trong chiếc giỏ mây, giỏ nhựa. Hiện nay, ở Việt Nam, đã có những DN sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Công ty CP Văn hóa Tân Bình đã đầu tư sản xuất bao bì nhựa tự hủy theo công nghệ hiện đại của Canada. Công ty Phú Hòa (Bến Tre) ra mắt các sản phẩm bao bì không gây ô nhiễm môi trường tận dụng từ nguồn phế liệu bã mía, xơ dừa. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lê Gia (TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu loại túi nhựa sản xuất theo công nghệ tự phân hủy sinh học biocom. Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nhựa Tiến Thành sản xuất bao bì từ bột bắp, không gây ô nhiễm môi trường…

Ở nhiều nước trên thế giới, các DN, nhà khoa học, viện nghiên cứu đã cho ra đời các sản phẩm không ô nhiễm môi trường thay thế túi ni lông. Đơn cử như, kỹ sư người Mỹ Paul Tasner đã chế tạo thành công loại bao bì có thể phân hủy trong đất. Karta Pack là loại bao bì có cùng chất lượng như các loại túi ni lông khác, song có kết cấu không bền vững về phương diện sinh học nên dễ phân hủy. Nguyên liệu chủ yếu để sản xuất loại sản phẩm này là bột giấy từ các loại giấy báo và bìa tái chế, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện môi trường. Ngoài ra, Karta Pack còn được sản xuất với nhiều hình dáng và mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt, tạo cảm giác thú vị cho người sử dụng.

Dù đã có những sản phẩm bao bì không ô nhiễm môi trường thay thế túi ni lông nhưng thực tế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn rất ít người dân sử dụng các sản phẩm này vì giá thành cao và chưa phổ biến, chưa đáp ứng nhu cầu. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi ni lông, UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thu hút các DN đầu tư sản xuất bao bì thân thiện môi trường. Từ đó cung cấp thị trường đa dạng sản phẩm bao bì không ô nhiễm môi trường với giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Có như vậy, việc “chống rác thải nhựa” mới được nhiều người đồng tình hưởng ứng và có hiệu quả cao.

NGỌC NGUYỄN

;
.