Tập trung toàn lực chống dịch tả heo châu Phi
Sau 1 tháng phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 29 trang trại có heo mắc bệnh, đã tiêu hủy gần 800 con với trọng lượng 37 tấn. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch bệnh này đã gây hại ở giai đoạn 2 (xảy ra trên diện rộng) và gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Cán bộ tại Trạm Thú y TX. Phú Mỹ lấy mẫu kiểm dịch tả heo châu Phi bắt buộc đối với heo được vận chuyển vào BR-VT. |
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới. Đặc biệt, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 2 đơn vị chăn nuôi của quân đội là Đại đội pháo binh C34 và Huyện đội Châu Đức.
Ngoài mối nguy lây bệnh dịch do hoạt động vận chuyển heo từ các tỉnh lân cận vào BR-VT, các địa phương chăn nuôi chủ lực như huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ cũng đã có dịch nên nguy cơ bệnh lây sang các trang trại chăn nuôi lân cận là rất cao. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm mạnh, một số hộ chăn nuôi không bán được heo nên ứ đọng đàn cũng làm tăng nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có nhiều trang trại chăn nuôi heo rừng lai, trong đó có cả một số đơn vị quân đội tăng gia sản xuất. Giống heo này rất dễ nhiễm bệnh và mang mầm bệnh lây sang các đàn heo khác.
Cán bộ Trạm Thú y huyện Châu Đức phun xịt khử trùng phương tiện đi qua khu vực xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi. |
“Chúng tôi khuyến cáo bà con chăn nuôi heo rừng lai, kể cả các đơn vị quân đội tăng gia sản xuất cần nêu cao ý thức phòng, chống dịch, chủ động phun, xịt khử trùng khu vực nuôi, không thả rông đàn heo rừng lai. Đồng thời, không sử dụng thức ăn thừa cho heo làm tăng nguy cơ lây lan dịch tả heo châu Phi. Trong thời gian dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, bà con và các đơn vị không nên tái đàn heo rừng lai nói riêng và các loại heo khác nói chung”, ông Trung nói.
Hiện nay, các sở, ngành, địa phương đang tập trung toàn lực nhằm giảm tối đa việc lây lan dịch bệnh. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Suối Rao, huyện Châu Đức cho biết, ngay sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, địa phương đã thực hiện các biện pháp như lập các chốt tạm thời kiểm soát người và phương tiện ra vào ổ dịch; sát trùng các phương tiện đi qua ổ dịch; tổng vệ sinh tiêu độc, rải vôi bột tất cả khu vực chăn nuôi của các ổ dịch. Xã cũng đã cấp thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi để sát trùng định kỳ 1 lần/ngày, liên tục trong tuần đầu tiên và 2 ngày/lần trong 3 tuần tiếp theo. UBND xã yêu cầu lực lượng chức năng tạm thời chỉ cho phép xuất heo ra khỏi địa bàn khi có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Đến nay, xã Suối Rao đã qua 28 ngày không phát sinh ổ dịch mới.
Theo ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, ngoài việc huy động lực lượng tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh và thức ăn chăn nuôi của các hộ trên bằng hình thức chôn hủy, lót bạt, đổ vôi, sát trùng, lấp đất kỹ, địa phương cũng dồn toàn lực để phòng dịch. Cụ thể, cùng với trạm kiểm dịch cố định, huyện thành lập 7 chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm tra, phun xịt tại các đoạn đường xung yếu, qua các địa phương có tổng đàn heo lớn, nguy cơ lây bệnh cao như Cù Bị, Xà Bang, Suối Rao… “Đặc biệt, huyện Châu Đức có nhiều đoạn đường mòn, đường nhỏ đan xen nên nhiều phương tiện chở heo lợi dụng để “lách” trạm kiểm dịch. Do đó, 16 xã của huyện đều thành lập các tổ cơ động tuần tra, kiểm soát tại các khu vực này nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các xe vận chuyển heo có biểu hiện bệnh hoặc không có giấy kiểm dịch của đơn vị chức năng”, ông Khởi thông tin thêm.
Mới đây ngày 16/7, UBND tỉnh đã tổ chức họp bàn các giải pháp khống chế và ngăn chặn không để dịch lây lan. Tại cuộc họp này, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Châu Đức công bố dịch tại các xã Bình Trung, Bình Giã để kiểm soát heo từ các xã này trước khi xuất sang các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Chi cục Thú y kết hợp các địa phương rà soát lại các chốt kiểm dịch, nếu cần thiết thành lập thêm các chốt tạm thời để phục vụ tốt công tác kiểm dịch. Cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra sản phẩm thịt heo nhập từ các địa phương khác vào tỉnh. Sở NN-PTNT tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi, đồng thời nghiên cứu các địa điểm tiêu hủy tập trung phù hợp để tránh lây lan sang vùng không có dịch; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh định kỳ vào 15 giờ hàng ngày.
Bài, ảnh: QUANG VINH