Cần sớm nâng cấp sân bay Côn Đảo
Những năm gần đây, lượng khách đến Côn Đảo tăng trưởng từ 25-30%/năm đã khiến sân bay Côn Đảo bị quá tải. Do điều kiện địa hình và hạ tầng kỹ thuật không bảo đảm an toàn bay đêm nên các chuyến bay chỉ được thực hiện vào ban ngày, trong khi đường băng ngắn, chỉ tiếp nhận được máy bay nhỏ. Thực trạng đó đòi hỏi sớm nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo.
Sân bay Côn Đảo hiện chỉ đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72. Trong ảnh: Khách đến Côn Đảo bằng đường hàng không. |
THƯỜNG XUYÊN QUÁ TẢI
Sân bay Côn Đảo được xây dựng từ thời Pháp. Năm 2003, sân bay này được nâng cấp lên 3C và cấp II quân sự, đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương. Sân bay Côn Đảo có đường băng cất hạ cánh dài 1.830m, rộng 30m, 3 sân đậu máy bay, nhà ga diện tích 3.792m2 bảo đảm phục vụ cùng một lúc 200 hành khách. Đến năm 2006, các hạng mục như: Kết cấu đường cất hạ cánh tiếp tục được cải tạo, xây dựng đài kiểm soát không lưu, thiết bị đồng bộ, mở rộng nhà điều hành, nhà ga hành khách lên 300 ngàn hành khách/năm. Tuy nhiên, địa hình sân bay Côn Đảo nằm ở giữa thung lũng, hai bên là núi cao và hai đầu giáp biển, thường có gió giật mạnh khi thời tiết xấu, hệ thống đèn hiệu không đủ an toàn bay đêm nên thời gian khai thác sân bay Côn Đảo hiện nay chỉ đạt 12 giờ mỗi ngày.
Hiện nay, có 2 đơn vị đang khai thác sân bay này gồm: Công ty Bay dịch vụ hàng không Việt Nam (VASCO) với 2 đường bay Côn Đảo - TP.Hồ Chí Minh và Côn Đảo - Cần Thơ; Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam khai thác tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo 2 chuyến/tuần. Theo đại diện VASCO Côn Đảo, từ năm 2014 trở về trước, vào mùa cao điểm du lịch (từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 9), thứ Bảy, Chủ nhật VASCO chỉ khai thác nhiều nhất là 10 chuyến/chiều/ngày, ngày thường 2-4 chuyến/chiều. Từ năm 2016 đến nay, tính luôn tuyến Côn Đảo - Cần Thơ, có ngày VASCO khai thác 20 chuyến bay/chiều. Tuy nhiên, dù đã nâng số chuyến bay nhưng gần như lúc nào các chuyến bay đến Côn Đảo cũng trong tình trạng khan hiếm vé.
Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc OSC Việt Nam Travel cho hay, dù kiêm luôn đại lý vé máy bay, nhưng mỗi lần tổ chức tour đi Côn Đảo đơn vị luôn lo lắng vì khó đặt vé máy bay. Bên cạnh đó, giá vé chặng TP. Hồ Chí Minh - Côn Đảo thường trên 1,7 triệu đồng/chuyến, vé khuyến mãi nhỏ giọt và không dễ săn.
Báo cáo của UBND huyện Côn Đảo cũng cho biết, những năm gần đây lượng khách đến Côn Đảo năm sau tăng hơn năm trước từ 25-30%. Du khách có nhu cầu đi máy bay rất nhiều nhưng không mua được vé. Hàng năm có 4-5 tháng biển động, tàu vận chuyển khách đi và đến Côn Đảo không xuất bến được, đường hàng không thường xuyên quá tải khiến khách phải lưu lại trên đảo lâu hơn dự định gây mệt mỏi, tốn kém và bực dọc cho khách.
CẦN SỚM NÂNG CẤP, MỞ RỘNG
Việc sân bay Côn Đảo quá tải, cần phải nâng cấp, mở rộng đáp ứng xu thế phát triển đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ trong nhiều cuộc làm việc với Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương. Đầu tháng 7/2019, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã báo cáo Bộ GT-VT phương án quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo. Phương án Cục Hàng không đưa ra là kéo dài đường cất hạ cánh và giữ nguyên đường băng hiện hữu, thay mặt đường bê tông nhựa bằng bê tông xi măng, tăng tần suất bằng máy bay nhỏ.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án kéo dài đường cất hạ cánh từ 1.830m hiện nay lên 2.400m, tăng chiều rộng đường băng từ 30m lên 45m, sân đậu đáp ứng tối thiểu 8 máy bay đậu cùng lúc, nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách/năm và có dự trữ đất để mở rộng khi có nhu cầu. “Với thiết kế này, sân bay Côn Đảo có thể đón được tất cả các dòng máy bay như A320, A321, A319, A321 (neo/ceo) thay vì chỉ có thể khai thác máy bay ATR72 như hiện nay, mở ra cơ hội kết nối với tất cả các sân bay cùng cấp trong nước, khu vực Đông Nam Á và châu Á. Các hãng hàng không cũng có thể mở đường bay thẳng từ Côn Đảo đi các quốc gia lân cận và ngược lại. Đây là cơ hội tốt cho Côn Đảo thực hiện mục tiêu tăng cơ cấu khách quốc tế, khách có mức chi tiêu cao”, ông Lê Tuấn Quốc nói.
Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư, nâng cấp sân bay Côn Đảo hơn 11.700 tỷ đồng. Trong đó kinh phí nâng cấp, kéo dài đường băng, vận chuyển đất, đá từ đất liền ra để đắp lấn biển hơn 5.300 tỷ đồng.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA