.
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN LỒNG BÈ TRÊN SÔNG THEO HƯỚNG BỀN VỮNG - YÊU CẦU CẤP THIẾT

Kỳ cuối: Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật: 19:20, 16/07/2019 (GMT+7)

Theo quy hoạch sắp xếp lồng bè nuôi của tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu đang hướng đến mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường và ưu tiên ứng dụng công nghệ cao.

Nuôi cá bằng lồng nhựa chịu lực HDPE tại hộ anh Phan Hoàng Sơn (tiểu khu 4, sông Chà Và).
Nuôi cá bằng lồng nhựa chịu lực HDPE tại hộ anh Phan Hoàng Sơn (tiểu khu 4, sông Chà Và).

CẮT GIẢM 50% MẬT ĐỘ LỒNG NUÔI

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, theo quy hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, các cơ sở NTTS lồng bè trong khu quy hoạch trên sông phải cắt giảm 50% mật độ lồng nuôi, sắp xếp bè nuôi trật tự, khoảng cách phù hợp, bảo đảm an toàn về luồng lạch và mỹ quan khu vực. Các bè nuôi lấn luồng, không đúng quy hoạch NTTS lồng bè sẽ phải đưa ra khỏi khu quy hoạch. Số lượng lồng tại mỗi bè sau khi cắt giảm còn tối đa là 10 lồng nuôi, tương đương khoảng 400m2; riêng những bè cá có quy mô nhỏ từ 1-4 lồng, phát sinh sau đợt khảo sát của Sở NN-PTNT và các địa phương vào tháng 11/2015 sẽ phải cắt bỏ toàn bộ.

Các cơ sở NTTS ngoài khu quy hoạch phải tự di dời về địa điểm nuôi mới theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời, việc bố trí, sắp xếp bè nuôi phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa các bè theo hướng dẫn. Những cơ sở dịch chuyển sớm được ưu tiên bố trí, sắp xếp trước. Hai địa điểm bố trí nuôi tập trung theo quy định gồm: Khu NTTS lồng bè phía bên trái luồng sông Mỏ Nhát (đoạn từ ngã ba Vàm Ông Bền đến ngã ba Cùi Mít - Sa Câu, thuộc địa phận TX. Phú Mỹ) và khu NTTS lồng bè bên trái luồng sông Dinh (đoạn từ cầu Gò Găng đến cầu Cỏ May, thuộc địa phận TP. Bà Rịa). Chủ cơ sở nào không di dời, sắp xếp theo hướng dẫn sẽ không được cấp giấy phép và bị cưỡng chế tháo dỡ. Người nuôi không đăng ký NTTS lồng bè, không đăng ký con giống, không tuân thủ các quy định về kiểm dịch, bảo vệ môi trường… sẽ bị xử phạt từ 5-100 triệu đồng. 

Theo quy hoạch mới, người nuôi hàu không được sử dụng vỏ xe hoặc tấm lợp fbro xi măng mà phải nuôi trên giá thể để bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Hộ ông Nguyễn Văn Minh thu hoạch hàu nuôi bằng giá thể trên sông Chà Và.
Theo quy hoạch mới, người nuôi hàu không được sử dụng vỏ xe hoặc tấm lợp fbro xi măng mà phải nuôi trên giá thể để bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Hộ ông Nguyễn Văn Minh thu hoạch hàu nuôi bằng giá thể trên sông Chà Và.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã có phương án di dời các cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) về Khu chế biến hải sản tập trung xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và xã An Ngãi (huyện Long Điền). Đến nay, 5 DN đã di dời, 6 DN còn lại sẽ di dời khi các khu chế biến hải sản tập trung chính thức đi vào hoạt động. 

Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, ngoài các giải pháp về sắp xếp, vị trí đặt lồng bè, khoảng cách…, Quyết định 39/QĐ-UBND của UBND tỉnh cũng quy định các hộ trong vùng quy hoạch không được sử dụng các giá thể nuôi gây ô nhiễm môi trường như: Vỏ xe, fibro xi măng. Đồng thời, trong khu quy hoạch NTTS lồng bè sẽ hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Trong đó, các cơ sở nuôi giữ vai trò là hạt nhân, điều phối, thống nhất các hoạt động quản lý về môi trường, dịch bệnh, mùa vụ nuôi, con giống, thức ăn, thông tin thị trường, giá cả sản phẩm nuôi trong vùng quy hoạch. “Tỉnh cũng khuyến khích các mô hình liên kết giữa người nuôi với DN chế biến thủy sản xuất khẩu, các DN cung cấp thuốc, hóa chất, thức ăn; các cơ sở cung cấp thức ăn tươi sống và các tổ chức tín dụng ngân hàng. Đồng thời liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà nước - nhà nuôi thủy sản - nhà chế biến, xuất khẩu - nhà khoa học”, ông Văn nhấn mạnh.

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG NUÔI CÁ LỒNG BÈ

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành đánh bắt đang khai thác gấp 2,5 lần lượng thủy, hải sản mà các đại dương có thể tự tái tạo. Nếu vẫn giữ mức độ khai thác như hiện nay, nguy cơ nguồn lợi này cạn kiệt không còn xa. Ông Dũng cho rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích nuôi trồng lớn, chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển, gần bờ. Hình thức nuôi này chưa tối ưu, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ông Dũng gợi ý tỉnh nên phát triển hình thức NTTS ứng dụng khoa học-công nghệ như: Dùng lưới dệt chống bám bẩn, sử dụng lồng bằng nhựa chịu lực HDPE…

Anh Phan Hoàng Sơn, nuôi cá biển lồng bè ở tiểu khu 4, sông Chà Và áp dụng công nghệ nuôi cá lồng bè bằng lưới nhuộm chống bám bẩn (công nghệ Na Uy) từ tháng 6/2018. Theo anh Sơn, lưới dùng để nuôi cá lồng bè bình thường rất nhanh bám cặn bã, thức ăn thừa của cá, chất phù du, rong rêu có trong nước, nên người nuôi phải thường xuyên giặt, rửa lưới, vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí. Anh Sơn tính toán: “Khi nuôi bằng phương pháp truyền thống, mỗi tháng tôi tốn khoảng 3 triệu đồng tiền thuê nhân công giặt lưới. Nhưng nay, nuôi bằng công nghệ mới, tôi chỉ tốn hơn 650 ngàn đồng tiền nhuộm lưới, tiết giảm được chi phí. Hơn nữa, công nghệ này giúp môi trường vùng nuôi được bảo đảm tốt hơn, cá lớn nhanh hơn”. 

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, thời gian qua Sở NN-PTNT đã tổ chức nhiều chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ NTTS lồng bè mới để nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng đang xây dựng quy trình công nghệ nuôi cá lồng bè bằng thức ăn công nghiệp nhằm giảm áp lực khai thác nguồn cá tươi sống tự nhiên làm thức ăn trong quá trình nuôi; ứng dụng công nghệ lồng tròn nổi Na Uy dạng nhỏ (đường kính 7m, thể tích lồng 135m3) và bố trí các lồng vuông khung gỗ tốt, chắc chắn ở các tiểu khu cửa sông, ven biển chịu được sóng, gió. Về con giống, sẽ tập trung đầu tư xây dựng hình thành khu sản xuất giống tập trung tại thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ (150ha); dự án khu sản xuất giống tập trung xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc (10,6ha) để kêu gọi đầu tư và phát triển các giống mới có chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt, đáp ứng nhu cầu giống cho người nuôi trong giai đoạn tới…

So với nuôi cá biển quy mô nhỏ bằng lồng gỗ, hình thức nuôi lồng bè theo công nghệ Na Uy giúp mang lại hiệu quả hơn. Lồng bè công nghệ Na Uy có dạng tròn hoặc vuông, làm từ nhựa chịu lực HDPE. Vật liệu này cho phép nuôi ở những vùng biển xa bờ - nơi môi trường nước trong sạch, giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh; kiểm soát được chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt, lồng nuôi bằng công nghệ nhựa chịu lực HDPE có khả năng chịu được sóng to, gió lớn, bão cấp 12. 

Anh Nguyễn Duy Hải, chủ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn cho biết, chu vi lồng lớn (rộng 100m, độ sâu từ 4-6m) nên cá nuôi trong lồng tròn được trao đổi oxy nhiều, lại được vận động thoải mái nên ăn khỏe, nhanh lớn hơn. “Nuôi cá lồng bè bằng công nghệ nhựa chịu lực HDPE giúp mang lại hiệu quả cao hơn khoảng 20% so với cách nuôi trong lồng truyền thống”, anh Hải nhận xét. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

------------------

Kỳ 1: Những mùa cá "đắng"

Kỳ 2: Việc sắp xếp theo quy hoạch quá chậm

.
.
.