Hiệu quả từ thí điểm mô hình trồng sen lấy củ
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Vân (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) chọn làm mô hình thí điểm trồng sen lấy củ. Sau 2 vụ trồng, mô hình này cho thấy những hiệu quả nhất định.
Nhân công của chị Nguyễn Thị Thanh Vân thu hoạch củ sen. |
Có hơn 1ha diện tích đất trồng lúa nhưng không hiệu quả, do vùng đất trũng thấp, bùn lầy và lúa thường mất trắng khi mưa nhiều do ngập úng. Vì thế khi được khuyến khích chuyển đổi cây trồng và dưới sự hỗ trợ của Chi cục TT&BVTV, chị Vân đã tìm xuống Sóc Trăng học tập mô hình trồng sen lấy củ. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, chị Vân về thí điểm trên diện tích 1,5 sào. Vụ đầu tiên, sau 4 tháng sen đã cho thu hoạch củ, năng suất đạt 800kg. Củ sen sau khi thu hoạch được Chi cục TT&BVTV thu mua với giá 25.000 đồng/kg, chị thu được gần 20 triệu đồng.
Kết quả vụ đầu tiên thành công ngoài mong đợi, chị tiếp tục trồng vụ thứ hai. “Hiện tôi đang chuẩn bị thu hoạch, vụ này uớc tính sản lượng đạt hơn 1 tấn. Đối với loại cây trồng này, nếu thuận lợi, mỗi năm có thể trồng 3-4 vụ, thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng lúa”, chị Thanh Vân cho biết.
Củ sen hay còn gọi là liên ngẫu, là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, củ sen có vị ngọt, bùi, giòn tính bình, tác dụng bổ tỳ, bổ phế, cầm máu, tráng dương, an thần. Ngoài ra, củ sen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Trong củ sen có chứa 70% tinh bột và một số chất như: asparagin, arginin, trigonellin, tyrosin, glucoze, vitamin A, B, C, PP. Củ sen có thể ăn sống hoặc nấu chín xào, chiên canh hầm, làm thức uống, các loại mứt… |
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Vân, sen dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, khả năng chống chọi sâu bệnh cao, phù hợp vùng đất trũng. Thời gian sinh trưởng và bắt đầu thu hoạch khoảng 4 tháng, vì thu hoạch xong các vụ sau sen tự mọc, chi phí phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh cũng thấp. Với 1,5 sào, mỗi vụ chị chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng (bao gồm giống, thuốc, phân và giá thuê nhân công), trong khi đó thị trường tiêu thụ lại ổn định. Hiện đã có một số cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh xuống đặt hàng, thu mua củ sen.
“Tôi đang dự định nhân rộng mô hình trên 1ha diện tích còn lại của gia đình. Ngoài ra, tôi cũng đã tìm hiểu xây dựng nhà xưởng để có thể sơ chế củ sen ra các thành phẩm khác như trà, tinh bột, các loại mứt, đồ ăn chế biến từ củ sen”, chị Vân cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM HỒNG