Năm 2019, dự báo sẽ có bão lớn, phức tạp

Thứ Hai, 15/07/2019, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay, nguy cơ sẽ có các cơn bão mạnh với quỹ đạo hoạt động phức tạp. Do đó, ngay từ đầu năm, các sở, ngành, địa phương đã sớm triển khai kế hoạch, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

Ban Quản lý các khu neo đậu, tránh trú bão đã chuẩn bị kế hoạch giúp tàu cá neo đậu an toàn. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại Khu neo đậu, tránh trú bão Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Ban Quản lý các khu neo đậu, tránh trú bão đã chuẩn bị kế hoạch giúp tàu cá neo đậu an toàn. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại Khu neo đậu, tránh trú bão Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, năm 2019, khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, 4-5 cơn bão, áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Mặc dù số lượng bão và áp thấp nhiệt xuất hiện muộn và ít hơn trung bình các năm trước, nhưng cần đề phòng sẽ có những cơn bão rất mạnh và quỹ đạo di chuyển phức tạp.

Trước những dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) cấp tỉnh đã được kiện toàn. Các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ở khu vực ven biển tích cực xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN; rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với điều kiện thực tế; đặc biệt là phương án sơ tán dân cư đến nơi tránh trú an toàn.

Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc là một trong những địa phương có đường bờ biển dài trên 11km. Đây là địa bàn rất dễ bị “tổn thương” khi bão đổ bộ. Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, ngay từ đầu mùa mưa, xã đã thực hiện công tác chuẩn bị và lên phương án ứng phó với bão. Một trong những vấn đề được chú trọng là bảo đảm an toàn cho đội tàu đánh bắt trên 530 chiếc của xã. Thời gian qua, ngoài việc tập huấn, tuyên truyền để chủ tàu nắm được kỹ năng cần thiết để đối phó với bão; xã Bình Châu cũng đã chủ động sắp xếp công việc cụ thể cho Ban Quản lý Khu neo đậu tránh trú bão Bến Lội - Bình Châu để bảo đảm tàu cá vào neo đậu tránh trú an toàn.

Các địa phương ven biển trên toàn tỉnh đã sớm lên kế hoạch di dời  người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có thiên tai. Trong ảnh: Ngư dân vận chuyển hải sản tại Cảng cá Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Các địa phương ven biển trên toàn tỉnh đã sớm lên kế hoạch di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có thiên tai. Trong ảnh: Ngư dân vận chuyển hải sản tại Cảng cá Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Theo thống kê, hiện nay, xã Bình Châu có khoảng 280 hộ với gần 1.000 người sống ở các khu vực xung yếu, sẽ phải sơ tán trong trường hợp bão mạnh đổ bộ. Từ đầu năm đến nay, UBND xã đã chủ động lựa chọn 11 địa điểm an toàn để có thể triển khai kịp thời việc sơ tán dân trong tình huống xấu. Theo kế hoạch, mỗi khi có nguy cơ bão đổ bộ, xã Bình Châu có thể huy động được gần 800 người tham gia phòng, chống.

Còn tại huyện Long Điền, địa phương có nhiều xã, thị trấn ven biển như Phước Tỉnh, TT.Long Điền, Phước Hưng… công tác chuẩn bị đối phó với thiên tai cũng đã được thực hiện rốt ráo từ đầu năm. Ông Đinh Võ Hoàng Phong, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trong các tình huống xảy ra thiên tai, địa phương có thể huy động gần 1.800 người tham gia phòng chống. UBND huyện cũng đã tiến hành các biện pháp để bảo đảm an ninh, trật tự và chuẩn bị lương thực, thực phẩm để sẵn sàng điều phối, huy động khi xảy ra thiên tai với với gần 450 tấn gạo, 140 ngàn lít nước, 9.500 thùng mì gói... Ngoài ra, 70 tổ sơ cứu ban đầu cũng được thành lập tại các thôn, ấp để kịp thời xử lý các tình huống bị thương khi xảy ra mưa, bão lớn. “Với khu neo đậu tránh trú bão dài khoảng 15-16km, kéo dài từ sông Cửa Lấp đến cảng Phước Hưng có sức chứa 1.200 tàu cá, chúng tôi đã lên các phương án cụ thể để điều phối, giúp các phương tiện vào trú bão thuận lợi, an toàn. Đặc biệt, đối với các xã, thị trấn ven biển, sông, chính quyền huyện cũng đã lên phương án di dời, nhất là đối với các hộ nuôi trồng thủy sản, có nhà ở ven biển, ven lưu vực sông Cửa Lấp. Qua rà soát, toàn huyện có khoảng gần 650 hộ/2.000 người thuộc diện trên”, ông Đinh Võ Hoàng Phong thông tin thêm.

Trên phạm vi toàn tỉnh, ông Phạm Quốc Cường, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã ban hành quy chế giữa các lực lượng biên phòng, công an, y tế, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực III, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu… trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Mục tiêu của các sở, ngành, địa phương là giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai có thể gây ra trong mùa mưa bão năm 2019.

Bài, ảnh: QUANG VINH

;
.