Ông Bùi Quang Duyệt (phường 12, TP.Vũng Tàu) thu hoạch nhãn của gia đình. |
Những ngày này, vườn nhãn xuồng của ông Bùi Quang Duyệt (phường 12, TP. Vũng Tàu) đang vào vụ thu hoạch, tấp nập thương lái ra vào thu mua nhãn. Ông Duyệt cho biết, hiện đang đầu mùa nhãn nên bỏ mối cho thương lái 40.000-50.000 đồng/kg xuồng cơm vàng; 60.000-70.000 đồng/kg xuồng bao công. Riêng với nhãn bắp cải - loại nhãn thơm, ngon nhất và cũng có giá cao nhất khoảng 150.000 đồng/kg.
Vườn nhãn của ông Duyệt hiện có 300 cây với tổng diện tích 8.000m2, trồng các loại như: xuồng cơm vàng, xuồng cơm trắng và nhãn Hai Duyệt - loại nhãn do ông tự cấy ghép và đặt tên. Trung bình 1 cây nhãn thu hoạch khoảng 40-50kg. Mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 1,5-2 tạ nhãn, riêng vào ngày rằm thì lên đến 7-8 tạ. Ước tính vụ này vườn nhãn cho năng suất 5-6 tấn. Sau mỗi vụ nhãn, gia đình ông Duyệt lãi khoảng 300-400 triệu đồng.
Cũng là hộ trồng nhãn lâu năm, trước đây ông Lê Trương Vinh (phường 12, TP. Vũng Tàu) trồng xen canh mãng cầu và nhãn. Tuy nhiên do mãng cầu thu hút nhiều rầy, sâu bọ, ảnh hưởng đến nhãn nên năng suất thu hoạch không cao. Vì vậy ông quyết định bỏ hết mãng cầu và chỉ trồng mỗi nhãn xuồng trên diện tích 2.000m2. Trung bình 1 cây nhãn thu hoạch 40-50kg, cả vườn nhà ông cho năng suất khoảng 1,5-2 tấn/vụ. Dự kiến năm nay, ông Lê Trương Vinh có thu lãi từ 70-80 triệu đồng từ vườn nhãn. Ông Lê Trương Vinh cho biết, để trái nhãn ngọt, cơm dày, cho năng suất cao, ông sử dụng phân gà và giảm bớt thuốc bảo vệ thực vật.
Theo các hộ trồng nhãn, vụ thu hoạch nhãn năm nay đến sớm hơn so với mọi năm nên giá bán cũng cao hơn từ 10-20%. Ngoài ra, tại phường 11 và phường 12 chủ yếu là đất cát, phù hợp với cây nhãn vì trong đất có hàm lượng kali cao, nên cho trái nhãn ngọt, thơm, thanh. Do đó, nhãn xuồng cơm vàng nơi đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến vụ thu hoạch, các thương lái thu mua tại vườn và chở đi tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận. Lượng nhãn còn lại được bày bán dọc theo tuyến đường 3/2 để du khách có thể ghé mua, thưởng thức đặc sản của BR-VT. Chị Lê Thị Hiền (KP3, phường 12) cho biết, hiện gia đình chị có hơn 200 gốc nhãn từ 5-20 năm tuổi. Vụ nhãn năm nay chị không bán cho thương lái mà tự thu hoạch và bán dọc đường 3/2. “Hiện nay khách hàng rất ưa chuộng nhãn bắp cải vì cơm ngon, vàng, ráo... Đa số khách du lịch đến Vũng Tàu khi về đều tìm mua loại nhãn này, nên ngoài bán nhãn xuồng cơm vàng, tôi thu mua thêm nhãn bắp cải để bán kho khách du lịch. Mỗi ngày tiêu thụ từ 80-100kg các loại”, chị Hiền cho biết.
Hiện nay trên địa bàn phường 11 và 12 có khoảng 30ha diện tích trồng nhãn, trong đó chủ yếu là nhãn xuồng cơm vàng, bắp cải. Ông Trần Văn Phức, Chủ tịch UBND phường 12 cho biết, riêng địa bàn phường 12 chỉ có khoảng 17ha trồng nhãn, mặc dù đây là cây trồng mang lại thu nhập cao cho nông dân nhưng do quy hoạch, đất nông nghiệp đang thu hẹp dần nên phường chỉ duy trì, giữ ổn định diện tích trên.
Theo phản ánh của các hộ dân trồng nhãn, dù lợi nhuận từ trồng nhãn khá cao thế nhưng hiện nay vẫn đang còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng của cây nhãn. Ông Lê Trương Vinh cho biết thêm, bà con nông dân trồng nhãn rất cần ngành nông nghiệp hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để nhãn cho năng suất cao, ổn định.
Bài, ảnh: THU HƯƠNG