Những cơn mưa lớn liên tiếp trong thời gian gần đây khiến việc sản xuất rau của nông dân trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn. Để tránh thiệt hại, người trồng rau cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền) dùng bạt lang che phủ cho rau khi có mưa. |
NHIỀU VƯỜN RAU MẤT TRẮNG
Trận mưa lớn cuối tháng 6 vừa qua đã đánh sập vườn mướp hơn 4.000m2, với 5.000 gốc của gia đình ông Nguyễn Văn Dục (thôn Đông Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ). Ông Dục xót xa cho biết, vườn mướp dự kiến đạt hơn 100 tấn, mới thu hoạch được khoảng 10% đã gần như mất trắng. “Vườn mướp vừa bước vào vụ thu hoạch được 10 ngày, mỗi ngày khoảng 1,8 tạ, dự kiến sẽ cho thu hoạch kéo dài trong 2-3 tháng nữa. Tuy nhiên, trận mưa lớn vào cuối tháng 6 đã làm giàn bị sập, ước tính thiệt hại khoảng 60-70 triệu đồng”, ông Dục tiếc nuối.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Quang Thiêm (thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) xuống giống các loại rau gia vị, cải thìa cải ngọt, hành lá, húng quế... trên diện tích 5.000m2 theo hình thức luân canh. Những trận mưa lớn trong thời gian qua khiến vườn rau bị ảnh hưởng nặng. Hơn 1.000m2 hành lá của gia đình phải bỏ đi hoàn toàn do nhiễm nấm nổ dọc. “Thương lái cũng vừa từ chối không mua hơn 2 tạ rau húng quế do rau có dấu hiệu nhiễm bệnh, phải bỏ đi. Các loại rau khác cũng chỉ thu hoạch được 60-70%. Tổng thiệt hại của vụ rau này khoản 100 triệu đồng”, ông Thiêm dự tính.
Theo các hộ trồng rau trên địa bàn xã Tân Hải, trong những đợt mưa lớn vừa qua, hầu hết diện tích trồng rau của các hộ đều bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại từ 20-70%, đặc biệt là các loại rau như cải, dền, mùng tơi, hành lá, húng quế, mướp…
Ông Kiều Văn Giang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hải cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 18ha, luân canh 44 giống rau, phổ biến là các loại rau ăn lá. Năm 2017, UBND xã đã đầu tư kinh phí triển khai 2 dự án bê tông hóa đoạn kênh tại thôn Phước Hải, thôn Láng Cát với tổng chiều dài gần 400m, bước đầu đã giảm bớt tình trạng ngập úng tại các địa phương này. Tuy nhiên, khi mưa lớn, rau vẫn bị hư hại, dập lá và nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho bà con, do đa số các hộ vẫn trồng theo hình thức truyền thống. Hội Nông dân xã đã khuyến cáo bà con trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhưng kinh phí đầu tư cao nên chưa có hộ nông dân nào áp dụng.
AN TOÀN VỚI BẠT LANG
HTX rau an toàn Thắng Lợi (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) có 7,8ha trồng rau, trong đó có 5,2ha trồng rau an toàn. Dù thời gian qua đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhưng diện tích trồng rau của địa phương không bị ảnh hưởng nhiều.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng) có 3.500m2 trồng rau các loại. 2 năm trở lại đây, vườn rau của gia đình ông hầu như hư hại không đáng kể trong mùa mưa. Ông Vinh tiết lộ, 2 năm trước, ông đã đầu tư bạt lang để che phủ, bảo vệ rau khi trời mưa. Nhờ vậy, dù mưa lớn, vườn rau của gia đình ông cũng không bị hư hại nhiều, chỉ khoảng 5%. Kinh phí mua bạt không quá tốn kém. Với diện diện tích vườn rau của gia đình ông, chi phí chỉ khoảng 5 triệu đồng. “Loại bạt này rất bền, thời gian sử dụng có thể lên tới 5 năm. Cách làm cũng đơn giản, một bên bạt buộc cố định vào các cọc, khi có mưa, chỉ cần cầm bên còn lại phủ lên rau là xong”, ông Vinh hướng dẫn.
Nhận thấy cách làm này có hiệu quả, ông Vinh đã chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ trồng rau trong HTX. Nhờ đó, bà con trồng rau tại xã Phước Hưng đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lớn. Ông Đào Xuân Hồng (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng), hội viên HTX rau an toàn Thắng Lợi nhớ lại: “Năm 2017, gia đình tôi gần như mất trắng toàn bộ diện tích trồng rau mùng tơi và cải ngọt do mưa lớn. Từ năm 2018, được ông Vinh chia sẻ phương pháp dùng bạt lang phủ lên rau, chúng tôi đã khắc phục được tình trạng hư hại rau, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa”.
Ông Đỗ Hồng Sơn, cán bộ Hội Nông dân xã Phước Hưng cho biết, Hội đã giới thiệu nhiều đơn vị, cá nhân tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm từ gia đình ông Vinh và đã nhân rộng ra nhiều hộ trồng rau trên địa bàn xã. Nhờ vậy, từ đầu mùa mưa tới nay, diện tích rau trên địa bàn xã chỉ bị ảnh hưởng khoảng 5-10%. Hội Nông dân xã sẽ phối hợp cùng các hộ trồng rau trên địa bàn trao đổi kinh nghiệm, triển khai các biện pháp bảo vệ vườn rau, trong đó có biện pháp dùng bạt lang che phủ.
Bài, ảnh: KIM HỒNG