Sáng 12/7, Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ VI năm 2019. Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghi. |
ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG CCN
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và bàn sâu tại hội nghị là tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ xây dựng các CCN. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: Trong số 16 CCN trên địa bàn tỉnh (557,62ha) có 15 CCN đã được UBND tỉnh giao cho các DN và địa phương làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng, còn CCN Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) chưa có chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay mới có 5 CCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, mới đạt 23%. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư hạ tầng CCN gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến tình trạng các dự án hạ tầng CCN triển khai chậm hoặc ngưng triển khai. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, khó thu hút dự án đầu tư thứ cấp vì giá thuê đất cao, trong khi đó các CCN không được hưởng chính sách ưu đãi như KCN; công tác xúc tiến đầu tư vào CCN chưa hiệu quả…
Bà Nguyễn Thị Chim Lang (giữa), Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu giới thiệu sản phẩm chocolate cho khách mời tại Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
“Không những vậy, việc xây dựng các quy chế phối hợp quản lý CCN theo Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN vẫn còn nhiều vướng mắc, khó thực hiện. Chẳng hạn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh giao cho Sở Công thương làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các thủ tục đầu tư cho DN. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các thủ tục này do các sở: KH-ĐT, Xây dựng, TN-MT giải quyết. Hay việc ưu đãi cho CCN theo Nghị định 68 vẫn khó triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn. Do đó các bộ, ngành cần tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho các CCN phát triển”, bà Bùi Thị Dung đề xuất.
Năm 2019, ngành công thương các tỉnh, thành phía Nam phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn so với mức bình quân chung cả nước. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ) gia công quần áo xuất khẩu. |
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, tỉnh đã quy hoạch 13 CCN, trong đó có 1 CCN đang hoạt động với 82 dự án. Địa phương đã có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư như: thỏa thuận thuê đất với hình thức phù hợp, hỗ trợ đầu tư một số cơ sở hạ tầng thiết yếu liên quan đến dự án… Tuy nhiên, tính đến nay, ngoài cụm khí - điện - đạm Cà Mau đã hoạt động ổn định, các CCN còn lại vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Ông Minh đề xuất Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời vào CCN để tỉnh có cơ sở thực hiện. Ngoài ra, hàng năm Trung ương xem xét ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, có chính sách hỗ trợ việc di dời, sắp xếp các cơ sở CN-TTCN nằm rải rác trong khu dân cư và các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vào các CCN tập trung.
TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT VÙNG
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vấn đề liên kết vùng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận chia sẻ, lợi thế của Bình Thuận là trái thanh long với sản lượng trên 700 ngàn tấn/năm. Để tiêu thụ sản phẩm, địa phương đã nghiên cứu và chọn giải pháp liên kết vùng. Nhờ đó, việc tiêu thụ thanh long Bình Thuận gặp nhiều thuận lợi, trong đó có đến 80% sản lượng được xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Kính cũng lưu ý, thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật, trong đó có vấn đề ATVSTP. Trong khi đó, đa số DN xuất khẩu trên địa bàn Bình Thuận có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế, công nghệ chế biến lạc hậu, chất lượng và mẫu mã hàng hóa chưa đa dạng, tính cạnh tranh thấp nên khó vượt qua được các rào cản kỹ thuật này. Vì vậy, Bình Thuận rất cần sự hỗ trợ của ngành công thương các địa phương, cộng đồng DN để tìm “đầu ra” cho trái thanh long trong thời gian tới.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, Cục Công thương địa phương sẽ đồng hành và gỡ khó tối đa cho các địa phương. Tuy nhiên, với những khó khăn đã được nhận diện, các địa phương cần sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Cụ thể như, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại; kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và hệ thống phân phối… (Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương) |
Còn ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là địa phương không chủ động sản xuất được các loại hàng hóa nông sản, thực phẩm mà do các địa phương khác cung cấp. Tuy nhiên, việc kết nối giao thương với các địa phương thông qua các hội nghị, hội thảo về kết nối cung - cầu hàng hóa còn nhiều hạn chế. Do đó, ông Đông đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần có chính sách cụ thể trong việc tăng cường liên kết vùng cho các địa phương.
Năm 2019, ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.841.141 tỷ đồng, tăng 12,91% so với năm 2018; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 119,79 tỷ USD, tăng 9,35% so với năm 2018. |
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, việc tăng cường liên kết vùng để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm là cần thiết và cần có thể chế để vận hành. Vụ Thị trường sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong vùng. Song song đó, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam cũng cần chú trọng hỗ trợ việc hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các DN, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm thông qua các hội nghị, hội thảo để đưa hàng hóa vào trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống…
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU