Dịch tả heo châu Phi có nguy cơ bùng phát

Thứ Ba, 02/07/2019, 18:32 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, trên địa bàn tỉnh liên tục phát hiện thêm các ổ dịch tả heo châu Phi ở các địa phương khác nhau. Điều này gây nguy cơ bùng phát loại dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi heo.

Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi tại trại của ông Trần Văn Thống (thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức). Ảnh: QUANG VINH
Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi tại trại của ông Trần Văn Thống (thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức). Ảnh: QUANG VINH

DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Ngày 30/6, ông Trần Văn Thống (thôn 4, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) phát hiện một số con heo trong đàn lờ đờ, bỏ ăn, nôn ra máu nên đã báo cho lực lượng thú y địa phương để theo dõi. Đến ngày 1/7, khi một số heo bắt đầu chết, chính quyền xã Bình Trung đã báo cho đơn vị chức năng của tỉnh tiến hành tiêu hủy và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi mẫu thử được xác định dương tính với virus gây dịch tả heo châu Phi, toàn bộ đàn heo đã bị tiêu hủy. Ông Thống cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 50 con heo. Ngày 28/6, tôi có bán cho một thương lái thu mua dạo 15 con. Một ngày sau đó thì heo có biểu hiện bệnh. Do đó, tôi nghi ngờ phương tiện vận chuyển là vật trung gian mang mầm bệnh từ nơi khác tới. Thời gian tới, tôi sẽ tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại và không tái đàn cho đến khi tình hình ổn định hơn”.

Hay như tại phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ, ngày 1/7, đàn heo 56 con của hộ ông Trần Đức Định (khu phố Hải Sơn, phường Phước Hòa) cũng có những triệu chứng hoàn toàn trùng khớp và bị nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi. Trước đó, ngày 29/6, đàn heo rừng lai của ông Bùi Ngọc Hậu (phường 11, TP. Vũng Tàu) cũng dương tính với bệnh tả heo châu Phi và đã được tiến hành tiêu hủy. Như vậy, kể từ khi xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên vào ngày 21/6 tại hộ ông Nguyễn Vương Long (thôn 3, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thì đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp phát hiện thêm các ổ dịch mới, nâng tổng số ổ dịch trên toàn tỉnh lên 5 trại với hơn 150 con đã tiêu hủy. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đánh giá, dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là các ổ dịch xuất hiện ở nhiều địa phương, trên các loại heo và với những nguyên nhân lây nhiễm khác nhau. Cụ thể, trong 5 ổ dịch thì có 2 là các trại nuôi heo rừng lai. Các trang trại còn lại đều nuôi heo thông thường nhưng nguyên nhân cũng không hề giống nhau. Có trại được xác định là do nhập heo từ vùng dịch. Trại mới đây nhất thì nhiều khả năng là do phương tiện vận chuyển đã mang virus từ nơi khác tới. “Chỉ mới xuất hiện dịch nhưng đã có nhiều loại heo và nguyên nhân lây bệnh cho thấy sự phức tạp và khó ứng phó của dịch tả heo châu Phi. Kinh nghiệm từ các quốc gia hay địa phương khác đã có dịch cho thấy, khả năng thời gian tới số ổ dịch sẽ tăng nhanh đột biến, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Như vậy, nguy cơ bùng phát dịch tả heo trên địa bàn tỉnh là rất cao”, ông Nguyễn Xuân Trung nói thêm.   

Cán bộ thú y phun khử trùng các khu vực xung quanh trại heo phát hiện dịch tả châu Phi tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức.
Cán bộ thú y phun khử trùng các khu vực xung quanh trại heo phát hiện dịch tả châu Phi tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức.

CHUẨN BỊ TINH THẦN “CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC”

Để “chiến đấu” với dịch tả heo châu Phi, hiện nay, các cơ quan chuyên môn và các địa phương, trại chăn nuôi đã, đang và sẽ tiến hành những biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Tại xã Suối Rao, huyện Châu Đức, sau khi phát hiện ổ dịch, địa phương đã tiến hành các biện pháp như lập chốt kiểm dịch tạm thời. Đồng thời vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các trại heo trong bán kính 1km 1 ngày/1 lần trong 10 ngày liên tiếp. Xã cũng lên phương án, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhân sự; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; chuẩn bị phương tiện, địa điểm chôn lấp, tiêu hủy; đồng thời thường xuyên kiểm tra các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi tại hộ ông Bùi Ngọc Hậu (phường 11, TP.Vũng Tàu).
Tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi của gia đình ông Bùi Ngọc Hậu (phường 11, TP.Vũng Tàu).

Còn tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, nơi vừa phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi mới nhất, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, dù chỉ mới phát hiện 1 ổ dịch nhưng đây là địa bàn phức tạp với gần 500 hộ nuôi heo, tổng đàn hơn 9.000 con. Các hộ chăn nuôi tập trung ở một khu vực. Xã lại có nhiều tuyến đường đường lớn, nhỏ khác nhau. Vì vậy, khác với xã Suối Rao chỉ thông báo có dịch, Trạm sẽ đề nghị UBND huyện Châu Đức làm thủ tục công bố dịch cho xã Bình Trung để thuận lợi hơn trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. “Như vậy, nhiều khả năng xã Bình Trung sẽ là địa phương đầu tiên của tỉnh công bố dịch tả heo châu Phi. Khi đó, các hộ, trại chăn nuôi lớn nhỏ của địa phương đều phải liên tục tiến hành tiêu độc, khử trùng trại nuôi. Không chỉ vậy mà khu vực bán heo của các chợ; các lò mổ cũng phải phun xịt khử trùng mỗi ngày. Bên cạnh đó, heo muốn vận chuyển ra, vào xã đều phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính mới được cấp giấy phép”, ông Tuấn cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản khẩn yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống ngăn chặn lây lan, khống chế, xử lý kịp thời các ổ dịch tả heo châu Phi. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT huy động lực lượng tiêu hủy ngay các ổ dịch, biện pháp xử lý dịch phải an toàn, bảo đảm không ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Tất cả các cơ sở, DN, hộ chăn nuôi lớn nhỏ không tái đàn vào thời điểm này cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở NN-PTNT có trách nhiệm thông báo tăng đàn trở lại… Đối với UBND huyện Châu Đức và TP. Bà Rịa, triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp, hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh; Thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát chặt chẽ công tác vận chuyển heo, sản phẩm của heo ra vào vùng có dịch; Chỉ cho phép vận chuyển, giết mổ heo có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi ra khỏi vùng dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, hiện nay các cơ quan chức năng cũng sẽ quyết liệt tiến hành các biện pháp để chống dịch tả heo châu Phi như: Tăng cường công tác kiểm tra các lò giết mổ trái phép, các phương tiện vận chuyển heo ra, vào tỉnh; tổ chức, đánh giá mức độ an toàn sinh học tại các trại chăn nuôi, kể cả các trại chăn nuôi heo khác giống (heo rừng lai) để kịp thời xử lý, hướng dẫn khắc phục những hạn chế còn tồn tại; thường xuyên tổ chức lấy mẫu chủ động những trang trại, cơ sở giết mổ có nguy cơ cao thuộc các khu vực như đầu mối giao thông, nằm ở vùng giáp ranh có dịch, vùng chăn nuôi tập trung để kịp thời phát hiện heo bệnh, tránh thụ động khiến dịch có điều kiện lây lan. Cùng với đó, ngoài 14 chốt kiểm dịch cố định, các địa phương cũng thành lập các tổ lưu động tuần tra các tuyến đường tránh, đường mòn để phát hiện các xe vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, heo có biểu hiện bệnh và kịp thời xử lý. “Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi trong thời điểm này không sử dụng thức ăn dư thừa cho heo vì theo nghiên cứu đây là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh lây lan nhanh. Thậm chí, đơn vị cũng đang nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy định nếu hộ nào sử dụng thức ăn thừa khiến đàn heo mắc dịch tả châu Phi sẽ không hỗ trợ. Bên cạnh đó, do chưa có vắc xin đặc trị nên dù thời gian tới có khống chế, không để bệnh bùng phát thì nhiều khả năng vẫn sẽ có những ổ dịch xuất hiện lẻ tẻ. Do đó, người chăn nuôi cần chuẩn bị tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Do đó, bà con ngoài thực hiện các biện pháp tức thời nên áp dụng thêm các biện pháp an toàn sinh học lâu dài, bền vững giúp giảm tỷ lệ heo mắc bệnh và nâng cao chất lượng thịt cung cấp ra thị trường”, ông Trung thông tin.       

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
;
.