Theo lộ trình đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để “về đích” đúng hẹn, trong đó đặc biệt coi trọng tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Mô hình nuôi dê giúp gia đình ông Nguyễn Công Vinh (thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) thoát nghèo và nâng cao thu nhập. |
Là 1 trong 6 xã xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 của tỉnh, thời gian qua, xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kết hợp đào tạo nghề nhằm chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - dịch vụ. Ngoài ra, xã khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất. Ðây chính là những giải pháp quan trọng để Nghĩa Thành thay đổi cơ cấu lao động và tăng thu nhập bình quân cho người dân.
Trước đây, người dân xã Nghĩa Thành chủ yếu sản xuất 2 vụ lúa, hiệu quả thấp. Khi xây dựng NTM, xã mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng HTX nông nghiệp chăn nuôi dê, bò, phát triển cây ngắn ngày và trồng tiêu. Dưới sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, bà con nông dân xã Nghĩa Thành còn luân canh trồng màu trên đất lúa vào vụ Đông Xuân.
Gia đình ông Trần Hồng Ngọc, ở thôn Trung Nghĩa có gần 2,5ha đất trồng lúa. Những năm trước, gia đình chỉ làm được 2 vụ Hè Thu và vụ mùa. Từ năm 2016 khi được Hội Nông dân xã hướng dẫn mô hình luân canh cây lúa xen cây màu ít tốn nước, ông trồng bắp và đậu phộng trên ruộng lúa trong vụ Đông Xuân. “Trước đây, khi trồng lúa, thu nhập của gia đình tôi chỉ đạt hơn 50 triệu đồng/năm. Khi luân canh “2 lúa, 1 màu”, thu nhập tăng thêm 40 triệu đồng”, ông Ngọc cho biết.
Nhận thấy mô hình phát huy hiệu quả, đầu năm 2019, xã Nghĩa Thành đã chuyển đổi và nhân rộng mô hình luân canh “2 lúa, 1 màu” với 40ha bắp, 12ha đậu phộng, 6ha mè, 15ha dưa hấu. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay thu nhập bình quân đầu người tại xã Nghĩa Thành đạt 51 triệu đồng/người/năm, hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. “Từ một xã với điều kiện kinh tế-xã hội thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đến nay mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Xã đã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Trong 6 tháng cuối năm 2019, Nghĩa Thành sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại”, ông Hoàng Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã cho hay.
Xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) bắt đầu xây dựng NTM từ cuối năm 2016. Tận dụng lợi thế của một xã ven biển, Phước Tỉnh xác định sản xuất ngư nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, nhiều dự án nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản đã được xã Phước Tỉnh triển khai thực hiện. Năm 2016, anh Nguyễn Hữu Nam (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh) là một trong những ngư dân phát triển kinh tế hiệu quả nhờ sự “tiếp sức” từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Gia đình anh hành nghề đánh bắt hải sản xa bờ với 4 tàu công suất 150CV/chiếc. Được sự hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, gia đình anh vay vốn đầu tư thêm 2 chiếc tàu công suất 500CV/tàu. Hiện nay, với đội tàu 6 chiếc, hàng năm gia đình anh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng từ nghề lưới kéo. Ngoài ra, anh Nam còn tạo việc làm cho 42 bạn ghe, với thu nhập hơn 100 triệu đồng/người/năm.
Theo lộ trình, đến cuối năm 2019, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM (Hòa Bình, Hòa Hội, Tân Hòa, Phước Tỉnh, Nghĩa Thành, Láng Lớn) nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh lên 33 xã, đạt tỷ lệ 73,3%; thu nhập bình quân đầu người tại các xã NTM đạt 54 triệu đồng/người/năm. |
Bà Trần Thị Ngọc Tiền, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh cho biết: Xác định sản xuất ngư nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, xã phối hợp tập trung triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư, phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người tại Phước Tỉnh đã tăng lên rõ rệt (từ 45 triệu đồng năm 2015 lên 55 triệu đồng năm 2018). Xã Phước Tỉnh cũng phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí trong năm 2019.
Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, 2 tiêu chí khó thực hiện nhất trong xây dựng NTM là tăng thu nhập và giảm tỷ lệ nông nghiệp xuống dưới 20%. Sở NN-PTNT đã phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững tại các địa phương. Đồng thời, xây dựng các tiểu đề án như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi ngành nghề từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tăng cường mở rộng việc liên kết giữa DN và bà con nông dân để hỗ trợ người dân tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra, liên kết sản xuất bền vững. “Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT rà soát đánh giá lại hoạt động của các HTX, tổ hợp tác để sắp sếp kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ người dân xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản chủ lực, nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản…”, ông Cường nói.
Bài, ảnh: KIM HỒNG