Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các DN công nghệ Nhật Bản

Thứ Sáu, 28/06/2019, 16:33 [GMT+7]
In bài này
.

Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sáng 28/6, tại Osaka, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo gần 30 DN công nghệ hàng đầu Nhật Bản như: Hitachi, Toshiba, Hanwa, Daikin, Anna, Fujitsu, Kajima, Mazda Motor, Kansai Economy…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản.  Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản. Ảnh: QUANG HIẾU

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đang duy trì ổn định xã hội và tăng trưởng cao liên tục trong thời gian qua. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu đang không ngừng tăng cao, với sự thích nghi nhanh chóng việc ứng dụng công nghệ. Những điều này đã tạo nên một thị trường sức mua hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Việt Nam hiện có 130 quốc gia đến đầu tư, sản xuất kinh doanh với tổng số vốn trên 350 tỷ USD; trong đó đã giải ngân trên 200 tỷ USD. Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 60 tỷ USD. Thủ tướng cho biết, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có trên 65% DN Nhật Bản đang kinh doanh có lãi tại Việt Nam và trên 70% DN Nhật Bản đang mong muốn mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Việt Nam cũng có những DN công nghệ thông tin lớn đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. 

Thủ tướng khẳng định, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng, sâu rộng ở các quốc gia. Cùng với xu thế đó, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng chuyển đổi số toàn bộ nền kinh tế xã hội với ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin, triển khai thương mại điện tử ứng dụng công nghệ 5G đến năm 2020, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; đảm bảo an toàn thông tin, phấn đấu trở thành trung tâm an ninh mạng ở khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những nhà sản xuất phần mềm, công nghệ thông tin lớn trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, e-cabinet, làm cơ sở phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Việt Nam phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2020 - 2025 lĩnh vực công nghệ thông tin. 

Thủ tướng nêu rõ, Nhật Bản là quốc gia phát triển cao, có nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các DN Nhật Bản; trong đó có các DN trong lĩnh vực công nghệ đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam. 

Phát biểu ý kiến trao đổi tại buổi gặp mặt, hầu hết các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cho biết, đều đã có các hoạt động đầu tư vào Việt Nam từ rất sớm; bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những cứ điểm để phát triển các lĩnh vực công nghệ của mình. Các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn Việt Nam quan tâm nhiều hơn nữa đến lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ, đảm bảo cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ổn định cho phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Các tập đoàn công nghệ Nhật Bản cũng đề cập đến tầm quan trọng của viễn thông 5G và đề nghị được tham gia vào quá trình xây dựng các trung tâm dữ liệu 5G tại Việt Nam…

Hoan nghênh các ý kiến góp ý tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tính đa dạng trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các DN công nghệ Nhật Bản; vui mừng vì hầu hết các DN hàng đầu về công nghệ Nhật Bản đều đã có hoạt động đầu tư Việt Nam từ nhiều năm nay. Giải đáp một số ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu và đang nỗ lực phấn đấu có trên 1 triệu nhân lực số giai đoạn 2020-2025, đạt chuẩn quốc tế và đảm bảo cung cấp nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực này trong khu vực và thế giới. Việt Nam mong muốn các trường đại học, viện nghiên cứu, DN công nghệ Nhật Bản tích cực tham gia, đào tạo, giảng dạy nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh như: Điện toán đám mây, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo… 

•Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn tài chính SMBC Koichi Miyata - một nhà đầu tư lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành công từ những hoạt động đầu tư tài chính của SMBC tại Việt Nam; tin tưởng, trong giai đoạn hợp tác chiến lược sắp tới giữa hai nước, SMBC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. 

QUANG VŨ

 
;
.