Nếu như trước đây, những phụ phẩm hải sản sau chế biến bị bỏ đi thì hiện nay, một số DN đã tận dụng để làm nên những sản phẩm có giá trị, được thị trường trong nước và nước ngoài chấp nhận.
Công nhân Công ty Baseafood sơ chế da cá để sản xuất các sản phẩm da cá tẩm gia vị. |
Vài năm gần đây, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng hải sản, Công ty CP Chế biến XNK thủy sản BR-VT (Baseafood) đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm tinh chế, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu. Một số dòng sản phẩm hải sản đó được tận dụng từ các nguồn phụ phẩm như cá, mực, bạch tuộc… sau khi chế biến các sản phẩm chính.
Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, Quản đốc xưởng nội địa Công ty Baseafood cho biết, trước đây các loại da cá, cổ bạch tuộc, đầu típ chân mực… thường bị loại bỏ và bán cho đầu mối làm thức ăn cho gia súc, hoặc chiết xuất collagen hoặc làm phân bón. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, hàm lượng collagen trong các loại da cá như cá hồi, cá tuyết, cá tra, cá ba sa tốt cho sức khỏe. Trong khi đó nguồn nguyên liệu da cá lại sẵn có tại công ty, nên đội ngũ nghiên cứu đã tìm tòi và đưa ra một số loại thực phẩm từ da cá. Đến nay, công ty đã cho ra đời 5 sản phẩm làm từ da cá như: Da cá tẩm trứng muối, tẩm rong biển, tẩm pho mai, tẩm tỏi, rong biển và wasabi. “Quá trình sản xuất đều tuân thủ theo tiêu chuẩn HACCP, bảo đảm an toàn thực phẩm”, chị Thúy Ngân nói.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải đóng gói sản phẩm. |
Dù mới có mặt trên thị trường, nhưng các sản phẩm làm từ da cá của công ty đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Sản phẩm cũng rất được yêu thích ở một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông… Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Baseafood cho biết, việc nghiên cứu chế biến sản phẩm từ phụ phẩm là một trong những chiến lược phát triển kinh doanh, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng của công ty. Đặc biệt trong điều kiện các nguồn nguyên liệu hải sản đang ngày càng cạn kiệt thì việc làm này đã góp phần giảm giá thành cho các sản phẩm chính trên thị trường trong và ngoài nước, tạo nguồn doanh thu, thêm việc làm cho công nhân. “Mặc dù các sản phẩm làm từ da cá chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng sản lượng, với doanh thu khoảng 15-20 tỷ đồng nhưng đã giúp công ty gia tăng lợi nhuận, tạo được lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu và trong nước”, ông Huỳnh Minh Tường nói.
Công nhân Công ty Baseafood sơ chế da cá để sản xuất các sản phẩm da cá tẩm gia vị. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Còn tại Công ty TNHH Tứ Hải, xương cá đục cũng được công ty tận dụng để chế biến thành sản phẩm để xuất khẩu. Ông Đào Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, trước đây sau khi chế biến cá đục xuất khẩu xương cá lọc ra trở thành phụ phẩm và thường bán cho đầu mối để chế biến phân bón. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và thử nghiệm công ty đã xử lý xương và sấy khô thành một sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Xương cá sau khi lọc ra được sơ chế sạch bằng nước lạnh, gỡ bỏ hết phần thịt, sau đó được đưa vào sấy khô và đóng gói. Khi sử dụng, người dùng có thể nướng, chiên. “Mặc dù chỉ chiếm sản lượng nhỏ trong tổng sản lượng hàng hóa, nhưng đây là mặt hàng giúp DN tăng doanh thu từ những phụ phẩm hải sản tưởng chừng phải bỏ đi”, ông Đào Quốc Tuấn cho biết thêm.
Theo đánh giá của ngành NN-PTNT, trong bối cảnh nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng suy giảm, chi phí sản xuất tăng thì việc tận dụng phụ phẩm được xem là giải pháp căn cơ, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho DN. Tuy nhiên, việc tận dụng các nguồn phụ phẩm này để chế biến thành các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao vẫn còn ít. Nguyên nhân là do các DN chế biến, kinh doanh hải sản còn nhỏ, trong khi để sản xuất các dòng sản phẩm này cần đầu tư máy móc, thiết bị. Nếu tận dụng tối đa các nguồn phụ phẩm từ hải sản giúp DN tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao lợi nhuận và còn góp phần bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU