Theo phản ánh của các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT), hiện nay một số quy định từ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến công không còn sát thực tế, khiến công tác khuyến công gặp nhiều trở ngại.
Nhiều quy định của chính sách khuyến công không còn phù hợp thực tiễn gây khó cho cơ sở CNNT. Trong ảnh: Công nhân sản xuất các sản phẩm nhôm tại Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Trường Tín (804, đường 30/4, TP. Vũng Tàu). |
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (KC- TVPTCN), Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công quy định chỉ những đối tượng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và một số xã có thời gian chuyển đổi lên phường không quá 5 năm mới được thụ hưởng chính sách khuyến công. Tuy nhiên, tại BR-VT, TP. Vũng Tàu là đô thị loại I, hiện có hơn 1.100 cơ sở sản xuất công nghiệp (SXCN) quy mô nhỏ dưới 10 lao động, nguồn vốn dưới 3 tỷ đồng đang hoạt động. Chiếu theo quy định, các cơ sở SXCN trên không thuộc danh sách được thụ hưởng chương trình khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Trong khi đó, đây là những cơ sở có trình độ quản lý tốt, khả năng phát triển thị trường cũng như năng lực thay đổi công nghệ sản xuất. Việc không nằm trong phạm vi đối tượng hỗ trợ gây thiệt thòi cho các cơ sở sản xuất, trong khi đó về phía Trung tâm KC-TVPTCN cũng khó tìm kiếm đối tác cho triển khai công tác khuyến công. Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Trường Tín (804, đường 30/4, TP. Vũng Tàu) cho biết, công ty hiện đang sản xuất các sản phẩm nhôm kính, vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng và có 10 lao động đang làm việc. Hiện cơ sở đang cần đầu tư dàn máy: cắt, dập, ép nhôm, khoét khóa… trị giá khoảng 1-2 tỷ đồng để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu các đơn hàng. Số tiền đầu tư khá lớn, nhưng DN lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ chương trình khuyến công hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Do đó, rất khó khăn trong việc đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Cơ sở mộc Thanh Danh (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) một trong những đơn vị được “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất gỗ” từ chương trình khuyến công. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Phản ánh từ Trung tâm KC- TVPTCN cũng cho thấy, một số nội dung khuyến công khó triển khai bởi liên quan đến quy định thanh toán, quyết toán tại các cơ quan quản lý nhà nước kéo dài. Chẳng hạn như thời gian xin cấp đăng ký chứng nhận hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) quá lâu, dẫn tới nội dung hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm CNNT khó thực hiện, do không bảo đảm tiến độ theo quy định. Ngoài ra, quy định từ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP là các cơ sở phải mua máy mới 100%, do vậy vốn đầu tư thường lớn, trong khi đó kinh phí hỗ trợ không nhiều. Theo các DN, một số loại máy nhập khẩu đã qua sử dụng giá thường rẻ hơn từ 30-40%, độ chính xác cao, bền, tiêu thụ ít điện năng phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu của cơ sở nhưng lại không thuộc diện hỗ trợ. Bà Phan Thị Danh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Vinh Danh (huyện Châu Đức) cho rằng: Là DN chuyên về sản xuất chế biến hạt điều xuất khẩu, hiện có nhiều loại máy như: tách vỏ hạt điều, bóc vỏ lụa… nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức giá chỉ từ 320-350 triệu đồng, rẻ hơn máy mua mới từ 140-170 triệu đồng. Thế nhưng, nếu muốn được hỗ trợ thì DN buộc phải mua máy mới 100%, so với nguồn lực của cơ sở CNNT rất khó thực hiện.
Năm 2019, chương trình khuyến công BR-VT được phê duyệt là 5 tỷ đồng. Theo Trung tâm KC-TVPTCN với nguồn kinh phí được cấp, đơn vị tiếp tục tổ chức các chuỗi hoạt động: Hỗ trợ máy móc thiết bị cho các cơ sở CNNT có sản phẩm được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất…
|
Theo ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm KC- TVPTCN những quy định trên không những gây khó cho các cơ sở SXCN mà còn dẫn đến địa phương khó tìm kiếm đối tượng thụ hưởng, không phát huy hết được vai trò của chương trình. Để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở Công thương đã đề xuất Cục Công thương địa phương xem xét trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng là tất cả các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực SXCN, không hạn chế địa bàn đầu tư sản xuất; quy định cơ chế bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trong năm tài chính và được thẩm định nhiều đợt trong năm để hỗ trợ cho cơ sở trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng. Đồng thời, cho phép đầu tư, ứng dụng các loại máy móc thiết bị hiện đại đã qua sử dụng nhưng phù hợp với nhu cầu của cơ sở. Có như thế, nhiều DN mới có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và chương trình khuyến công sẽ phát huy hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN