Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, cùng với thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu phát sinh nên tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng được duy trì ở mức thấp. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng ở mức dưới 3%.
Vietcombank được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt xử lý nợ xấu trong thời gian qua. Trong ảnh: Khách hàng chuyển tiền qua chi nhánh Vietcombank BR- VT. |
NỢ XẤU DUY TRÌ Ở MỨC DƯỚI 3%
Theo NHNN Việt Nam, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3-2019, toàn hệ thống các ngân hàng đã xử lý được 907 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm ngoái xử lý hơn 163,1 ngàn tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về 2,02%. Tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn hiện ở mức 5,88%. Con số này giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.
Theo NHNN, Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3-2019 là 2,02%.
Đánh giá về tình hình xử lý nợ xấu trên địa bàn tỉnh BR-VT trong thời gian qua, bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh BR-VT khẳng định: Nợ xấu được các chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt, duy trì ở mức dưới 3%/năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các chi nhánh TCTD đến cuối tháng 5-2019 ở mức 1,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 1,57% trong tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, nợ xấu khối DN khoảng 600 tỷ đồng, chiếm 1,88% trong tổng dư nợ khối DN.
Một số ngân hàng đã thực hiện xử lý nợ xấu khá tốt. Điển hình như ACB, sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước, đến nay ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn hệ thống. Theo đó, giá trị nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối quý I-2019 chỉ là 1,6 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm xuống còn 0,68% từ mức 0,73% tại thời điểm cuối năm 2018. Hay như Vietcombank, Vietinbank… cũng được đánh giá đã xử lý nợ xấu tốt trong thời gian qua.
Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh BR-VT cho biết, trong thời gian qua, nhờ áp dụng nhiều giải pháp như: Tăng tiêu chuẩn cho vay, giảm lãi suất cho khách hàng trong điều kiện khó khăn nhưng có tinh thần hợp tác tốt, phối hợp với khách hàng bán tài sản…nên tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ của Vietinbank Chi nhánh BR-VT giảm hẳn, hiện nợ xấu chỉ khoảng 0,15% tổng dư nợ.
Ngoài việc thực hiện các giải pháp trên, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp như hiện tại ngân hàng sử dụng nhiều biện pháp như kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ; thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu trong hệ thống như nâng cao chất lượng thẩm định; kiên quyết không cạnh tranh cho vay bằng cách hạ chuẩn tín dụng.
TIẾP TỤC ĐỐC THÚC XỬ LÝ NỢ XẤU
Theo đánh giá của NHNN, mặc dù việc xử lý nợ xấu đã được cải thiện nhưng theo như mục tiêu phấn đấu của toàn ngành ngân hàng đến cuối năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5% thì cần phải có những bước triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Đó cũng là lý do mới đây, NHNN ban hành văn bản 1968 đốc thúc tiến độ xử lý của các ngân hàng với nhiều yêu cầu được đặt ra.
Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của NHNN về kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC. Cùng với đó, thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi…
Ngoài ra, Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn gồm các khoản nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng, tài sản đảm bảo cho các khoản nợ này, khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu.
Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu. Các TCTD phải chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong công tác xử lý nợ xấu.
Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần nhanh chóng, chủ động, tích cực tháo gỡ các vướng mắc liên quan trên. Đồng thời, cần nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện giữa kỳ vào thời điểm cuối năm 2019.
Bài, ảnh: PHAN HÀ