Việc xóa thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với nghề cá là nhiệm vụ bắt buộc, vì vậy tỉnh BR-VT vừa đưa ra quyết tâm, chậm nhất đến ngày 1/4/2020 toàn bộ tàu cá đánh bắt xa bờ đều phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chủ tàu phải bật thiết bị 24/24 giờ trong quá trình đánh bắt hải sản.
Ngư dân điều khiển máy thông tin và GSHT trên tàu cá. |
Theo Kế hoạch 74/KH-UBND về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của UBND tỉnh, nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp thiết bị này trước ngày 1/7/2019. Các tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được gia hạn đến trước ngày 1/4/2020. Riêng các tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương phải lắp trước ngày 1/1/2020.
Như vậy, thời hạn để các tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị GSHT không còn nhiều, thậm chí đối với tàu cá trên 24m chỉ còn khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh, tỷ lệ tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Cụ thể, chỉ có 614/2.900 tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị GSHT. Trong đó, loại tàu cá dài trên 24m cũng chỉ mới đạt gần 50% trên tổng số 277 tàu.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, việc tăng cường triển khai lắp đặt máy thông tin và GSHT đã được thực hiện trong thời gian qua, tuy nhiên, vẫn chưa được ngư dân coi trọng. Nhiều chủ tàu vẫn xem nhẹ, thậm chí cảm thấy phiền phức khi phải lắp đặt loại máy này vì tọa độ đánh bắt của họ sẽ bị thông báo về cơ quan quản lý. Do đó, số chủ tàu chủ động lắp đặt vẫn còn ít. Tuy nhiên, tới đây, quy định của tỉnh là tàu không lắp đặt máy GSHT thì không được xuất bến. “Không những siết chặt việc lắp đặt trước khi xuất bến, ngày 5/7 tới đây, khi Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực, các tàu sau khi lắp phải mở máy GSHT 24/24 giờ, nếu không sẽ bị xử phạt rất nặng, từ 300-500 triệu đồng. Đây là chế tài mạnh, thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc quản lý tàu cá đánh bắt xa bờ”, ông Hoàng thông tin thêm.
Các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền tập huấn cho ngư dân về sử dụng máy GSHT. Trong ảnh: Lực lượng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh hướng dẫn ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền sử dụng máy GSHT. |
Theo nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh, sau khi nhận được thông tin về quy định của UBND tỉnh, nhiều ngư dân cũng đã có ý định lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều băn khoăn và mong muốn được Nhà nước hỗ trợ. Ông Nguyễn Kiên, ngư dân đang sở hữu 2 tàu lưới kéo tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cho biết, việc lắp thiết bị GSHT sẽ hỗ trợ ngư dân thông suốt về thông tin liên lạc để chủ động trong các tình huống cứu nạn, cứu hộ; đồng thời nắm được các thông tin về ngư trường, thời tiết... “Do đó, tôi và một số ngư dân khác đang tìm hiểu để lắp đặt thiết bị GSHT. Tuy nhiên, giá các loại máy GSHT trên thị trường không rẻ, từ 40-50 triệu đồng. Đây không phải là số tiền nhỏ nên tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ phần nào cho ngư dân khi lắp đặt loại máy trên”, ông Kiên kiến nghị.
Thiết bị hành trình không những giúp cơ quan chức năng trong công tác quản lý mà còn giúp ngư dân nắm được thêm thông tin về thời tiết, ngư trường. Trong ảnh: Ngư dân điều khiển phương tiện tàu cá vươn khơi. Ảnh: THÀNH HUY |
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, việc quản lý tàu cá bằng máy GSHT hiện nay vẫn còn nhiều điều bất cập. Trên địa bàn tỉnh đang có 6 nhà phân phối máy giám sát hành trình như VNPT, Vishipel, Viettel... Mỗi loại máy của một nhà phân phối có chức năng, thông số kỹ thuật khác nhau. Đặc biệt, các tàu dùng loại máy nào sẽ báo vị trí, hành trình của mình về phần mềm cho nhà phân phối đó quản lý. Hiện Chi cục Thủy sản tỉnh chỉ mới liên hệ và quản lý được các tàu cá mua máy GSHT của 2 nhà phân phối. Chi cục Thủy sản tỉnh đã có kế hoạch làm việc để yêu cầu các nhà phân phối máy GSHT cung cấp phần mềm. Dù vậy, điều này vẫn gây khó khăn trong công tác quản lý tàu cá. Do đó, Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng ban hành mẫu, quy chuẩn, thông số kỹ thuật với thiết bị GSHT, đồng thời phải thống nhất kết nối việc giám sát giữa các địa phương trong cả nước với nhau. Tốt nhất là nên thành lập một Trung tâm quản lý tàu cá Trung ương. Dữ liệu của toàn bộ tàu cá sẽ được đưa về đây sau đó phân phối về các địa phương. Sau đó, Chi cục Thủy sản sẽ là đơn vị trung chuyển sang Ban Quản lý các cảng cá, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để thuận tiện trong phối hợp kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ. Như vậy, sau khi các tàu cá đều lắp thiết bị GSHT thì hiệu quả quản lý mới được nâng cao.
Bài, ảnh: QUANG VINH