.
HUYỆN ĐẤT ĐỎ:

Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo

Cập nhật: 19:29, 23/06/2019 (GMT+7)

Một trong những mục tiêu của chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Đất Đỏ là hướng sự quan tâm tới đối tượng phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Việc thành lập các mô hình, câu lạc bộ để hỗ trợ chị em đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở huyện Đất Đỏ trong nhiều năm qua.

 Nhờ tham gia lớp tập huấn trồng măng tây tại Bình Thuận và được hỗ trợ cây giống, gia đình chị Lương Thị Cẩm (xã Long Mỹ) đã thành công với mô hình trồng măng tây.
Nhờ tham gia lớp tập huấn trồng măng tây tại Bình Thuận và được hỗ trợ cây giống, gia đình chị Lương Thị Cẩm (xã Long Mỹ) đã thành công với mô hình trồng măng tây.

Chị Nguyễn Thị Thanh Giang (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết, ban đầu một số gia đình trong xóm khi nhà có việc đều nhờ chị nấu cỗ. Những mâm cỗ do chị nấu đều nhận được lời khen của các dì, các mẹ, từ đó động viên chị nên mở dịch vụ nấu ăn. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, dịch vụ nấu ăn của chị Giang ra đời. Ngoài mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, dịch vụ nấu ăn cùa chị Giang còn tạo việc làm cho 6 lao động nữ địa phương với tiền công từ 250.000-300.000 đồng/ngày.

Còn chị Trần Thị Hai (tổ 20, ấp Cây Cám, xã Láng Dài) đã tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm của Chi hội Phụ nữ tổ 20 từ năm 2013. Mỗi năm, chị Hai góp 150.000 đồng vào tổ tiết kiệm. Chị Hai cho biết, một người đóng góp thì ít nhưng nhiều người cùng góp thì số tiền tiết kiệm của tổ đã giúp nhiều chị em có đủ tiền để xoay sở khi có việc cần. “Chẳng hạn như hồi tháng 9-2016, để có tiền chữa bệnh cho chồng và đóng tiền học cho con, tôi đăng ký vay 2 triệu đồng từ tổ tiết kiệm. Nhờ số tiền này, tôi đã đã giải quyết được khó khăn trước mắt. Do vậy, việc duy trì nguồn quỹ tiết kiệm ổn định, không có lãi như vậy rất cần thiết đối với các hội viên phụ nữ nghèo như chúng tôi”, chị Hai nói.

Từ nguồn vốn vay, chị Huỳnh Thị Thùy Linh (KP Tường Thành, thị trấn Đất Đỏ) đã vươn lên thoát nghèo.
Từ nguồn vốn vay, chị Huỳnh Thị Thùy Linh (KP Tường Thành, thị trấn Đất Đỏ) đã vươn lên thoát nghèo.

Hiện tại xã Láng Dài có 9 tổ phụ nữ tiết kiệm với tổng nguồn vốn xoay vòng 120 triệu đồng, mỗi tháng các tổ cho từ 1 đến 4 chị em vay.

Ngoài duy trì nguồn vốn từ Tổ phụ nữ tiết kiệm, các Chi hội phụ nữ còn giúp các chị em có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Có thể kể đến trường hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Chính (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ). Trước đây, gia đình chị Chính thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn tỉnh. Nhờ nguồn vốn vay 15 triệu đồng để mua 2 con bò để chăn nuôi, từng bước phát triển đàn. Nhờ chăm tốt, 2 con bò sinh sản đều, chị đã trả vốn đúng kỳ hạn và được vay thêm 15 triệu đồng, mua thêm 3 con bò mở rộng mô hình chăn nuôi. Chị Chính cho biết, nhờ được vay vốn lãi suất thấp nên gia đình chị có điều kiện để đầu tư vào chăn nuôi và trả vốn, lãi đúng hạn. Cuộc sống của gia đình cũng được cải thiện và đến năm 2015, gia đình chị chính thức thoát nghèo.

Tính đến nay, số vốn hỗ trợ Hội LHPN huyện đang quản lý thông qua sự ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 48 tỷ đồng cho 3.809 hộ vay. Hội cũng đã vận động được gần 7.000 chị em giúp hơn 4.400 chị em khó khăn với số tiền hơn 5 tỷ đồng và 7.750 công vần đổi phát triển kinh tế gia đình. Hội cũng duy trì và phát triển 322 tổ tiết kiệm với hơn 11.000 lượt hội viên tham gia, với tổng số tiền đóng góp từ 50.000 đến 100.000 đồng người/tháng. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã vận động chị em phụ nữ tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do trung tâm khuyến nông tổ chức để áp dụng vào lao động, sản xuất nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi. Hội cũng giới thiệu cho 2.647 chị em vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp, các cơ sở chế biến hải sản, bóc hạt điều, đan lưới, giúp việc nhà…; đồng thời hỗ trợ vốn, công lao động và các thủ tục pháp lý cho 15 phụ nữ khởi nghiệp.

Theo đánh giá của Hội LHPN huyện Đất Đỏ, với vai trò là chỗ dựa của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện, các phong trào thi đua do Hội LHPN huyện phát động phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của chị em phụ nữ. Có thể kể đến phong trào như: “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Nuôi heo đất”; “Góp vốn xoay vòng”, “Tổ phụ nữ từ thiện”, “Hũ gạo tình thương”… Bà Trần Thị Chúc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đất Đỏ cho biết, thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Hội đặt ra là tiếp tục duy trì các mô hình tổ phụ nữ tiết kiệm, tổ phụ nữ giúp nhau thoát nghèo… để ngày càng nhiều hội viên phụ nữ có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mang lại cuộc sống ổn định và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 

 
.
.
.