HƯỚNG TỚI NGÀY "NGÀY KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT" 16/6

Thanh toán điện tử lên ngôi, tiền mặt sẽ là dĩ vãng - Kỳ 1: Thay đổi thói quen không dùng tiền mặt

Thứ Năm, 13/06/2019, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị này đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không dùng tiền mặt. Đây sẽ là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung ứng dịch vụ. 
 
Khách hàng thanh toán bằng thẻ tại Cửa hàng Vimart+ (93 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu).
Khách hàng thanh toán bằng thẻ tại Cửa hàng Vimart+ (93 Lê Lợi, TP. Vũng Tàu).

Thẻ tín dụng, ví điện tử, quét mã bằng điện thoại di động… đang dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng hiện nay, nhất là với những người dân sống ở thành thị. Nắm bắt cơ hội này, nhiều DN gia tăng các tiện ích thanh toán điện tử và chăm sóc khách hàng.

QUẸT THẺ KHI MUA SẮM

Bà Phan Thị Thanh, nhà ở  tầng 16 - chung cư Vũng Tàu Center cho biết: Thời gian gần đây, mỗi khi đi siêu thị, đi ăn cùng cả nhà dịp cuối tuần hay đi mua sắm bất cứ món gì bà đều thanh toán bằng thẻ tín dụng. Theo bà Thanh, việc thanh toán bằng thẻ rất đơn giản và an toàn. 

Việc sử dụng thẻ trong thanh toán tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, quán ăn… hiện nay không còn là chuyện gì quá xa lạ. Bản thân các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã gia tăng tiện ích trong thanh toán để tăng tính chính xác và rút ngắn thời gian kiểm đếm tiền mặt. Bản thân nhân viên thu ngân, họ cũng thích khách hàng thanh toán bằng thẻ hơn tiền mặt, vì nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm thời gian. Do đó, để khuyến khích khách hàng chuyển sang thanh toán bằng thẻ, nhiều DN đã hợp tác với ngân hàng phát hành các loại thẻ đồng thương hiệu, có tính năng hoàn toàn giống thẻ ATM của ngân hàng, đồng thời, có thể tích lũy điểm cho khách khi mua sắm ở siêu thị.

Khách hàng thanh toán tiền mua hàng bằng thẻ ngân hàng tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU
Khách hàng thanh toán tiền mua hàng bằng thẻ ngân hàng tại Siêu thị Lotte Mart Vũng Tàu. Ảnh: ĐÔNG HIẾU

Ông La Trọng Nghĩa, Tổ phó Marketting Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu cho biết: Năm 2012, sau khi chính thức ra mắt bộ nhận diện thương hiệu Co.op Mart mới, Saigon Co.op đã phát hành thẻ đồng thương hiệu Co.op Mart cùng một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, DongA Bank. Siêu thị Co.op Mart cùng các đối tác phát hành thẻ triển khai máy chấp nhận thẻ (POS) đặt tại tất cả các quầy thu ngân của siêu thị. Việc này tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho khâu thanh toán và hạn chế tối đa những rủi ro trong khâu kiểm đếm tiền. Chủ thẻ sẽ được hưởng tất cả ưu đãi của chương trình khách hàng thân thiết của Co.op Mart cũng như tiện ích của các loại thẻ ghi nợ nội địa mà các ngân hàng phát hành. Cụ thể, khách hàng có thể kiểm tra tài khoản, rút tiền, chuyển tiền, hay thanh toán tiền điện, nước, điện thoại... bằng thẻ đồng thương hiệu này.

THANH TOÁN DỊCH VỤ CÔNG  QUA NGÂN HÀNG

Không những không dùng tiền mặt để mua sắm, trong thời gian qua thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội), các DN cung ứng điện, nước, điện thoại, viễn thông và các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên kết với các ngân hàng để triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Do vậy, nếu như trước đây, những nhân viên ngành điện, nước phải đi gõ cửa từng nhà thu tiền hàng tháng thì nay, các chi phí sinh hoạt ấy đều được thanh toán qua ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian.

Công ty Cấp nước BR-VT (BWACO) hiện nay cũng đang phối hợp với 11 ngân hàng trên địa bàn tỉnh thu tiền nước. Việc phối hợp thu này được đơn vị triển khai từ năm 2012. Việc sử dụng dịch vụ ngân hàng để thanh toán tiền nước mang lại thuận tiện cho các khách hàng thường xuyên vắng nhà. Đồng thời, tránh được trường hợp nhân viên thu ngân đến nhà vào thời gian nghỉ ngơi của khách hàng, giảm rủi ro trong trường hợp có kẻ giả danh nhân viên thu tiền nước vào nhà khách hàng với mục đích không tốt.

Tại Công ty Điện lực BR-VT, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2011, công ty đã xây dựng đề án, đưa ra các giải pháp cụ thể phối hợp với các ngân hàng triển khai phát triển số lượng khách hàng đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng. Tính đến nay, công ty đã thực hiện thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thông qua 16 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian, với 64.622/332.070 khách hàng. Ngoài ra, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có gần 400 điểm thu tiền điện tại các ngân hàng, tổ chức trung gian. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục lựa chọn thêm khu vực triển khai phù hợp (khu hành chính, tập trung nhiều ngân hàng, trung gian thanh toán…) để không thu tiền điện tại nhà.  

Hiện nay, tổng số máy ATM đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện có 399 máy với mạng lưới được phân bổ rộng khắp các địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 31/39 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị 2.279 máy POS được lắp đặt tại 1.676 đơn vị chấp nhận thẻ để thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng xăng dầu và hệ thống xe taxi... 

Đối với dịch vụ thu ngân sách, đến nay Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế tỉnh và các ngân hàng như BIDV, Agribank, Vietcombank, Viettinbank và MBbank trên địa bàn tỉnh đã ký kết thỏa thuận phối hợp thu ngân sách. Việc ký kết thỏa thuận liên tịch phối hợp thu ngân sách Nhà nước giữa các đơn vị nhằm góp phần giảm thời gian, thủ tục, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ liên quan đến nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trên lộ trình hiện đại hóa công tác thu nộp ngân sách Nhà nước và từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ - ĐÔNG HIẾU

;
.