Còn nhiều bất cập trong thực hiện pháp luật lao động

Thứ Hai, 10/06/2019, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019, từ ngày 2/5 đến 7/6, Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh đã tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, ATVSLĐ tại 14 DN trên địa bàn tỉnh. Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm tại một số DN. 

Đoàn Thanh tra yêu cầu đại diện Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) khắc phục các thiếu sót trong thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ. Ảnh: NHÃ UYÊN
Đoàn Thanh tra yêu cầu đại diện Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ) khắc phục các thiếu sót trong thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ. Ảnh: NHÃ UYÊN

 NHIỀU “KHÔNG” TRONG THỰC HIỆN ATVSLĐ 

Cùng Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra tại xưởng sản xuất Công ty Thiết bị Y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ), chúng tôi chứng kiến nhiều người lao động không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động khi làm việc. Nhà xưởng phát ra tiếng máy ầm ĩ, những mảnh vụn kim loại nhỏ, sắc nhọn vương vãi khắp sàn. Một số công nhân đứng máy tiện kim loại không dùng kính bảo hộ. Chị Phan Thị Thảo, 22 tuổi, thực hiện công đoạn gọt phần kim loại thừa của khung xe lăn. Mảnh vụn bám đầy người nhưng chị không mang quần áo, giày bảo hộ, không đeo nút tai chống ồn. Chị cũng rất mơ hồ khi được hỏi các kiến thức về bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc. Chị Thảo lý giải: “Tôi không quen mang đồ bảo hộ lao động vì vướng víu, khó làm việc”.

Tương tự, tại nhà xưởng Công ty TNHH NITORI (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ), chúng tôi cũng ghi nhận công nhân làm việc gần máy cắt nhưng không mang găng tay, không đeo khẩu trang, hay sử dụng bất kỳ phương tiện bảo hộ cá nhân nào. Thấy Đoàn Thanh tra đến, những công nhân này mới chuyền tay nhau khẩu trang để đối phó. Ở khu vực cắt máy Finger, công nhân không dùng kính bảo hộ khi làm việc. Chiếc máy mài đặt ngay lối ra vào, có nguy cơ gây tai nạn lao động cho công nhân. Còn tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH Vũ Chân (KCN Tiến Hùng, TX. Phú Mỹ), người lao động làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn nhưng nhiều người cũng không sử dụng nút tai chống ồn. 

Kiểm tra tại Công ty TNHH Anchor Fasteners Việt Nam (KCN Mỹ Xuân B1, TX. Phú Mỹ), Công ty TNHH Bao Do Global Vina, Công ty TNHH Kbec-Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ)… Đoàn cũng đã phát hiện nhiều vi phạm về ATVSLĐ. Các lỗi chủ yếu như: Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; không thực hiện quan trắc môi trường, đo lường các yếu tố gây hại tại nơi làm việc; không xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ đối với máy, thiết bị; không kiểm tra định kỳ kỹ thuật an toàn cho máy và các thiết bị; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; không bố trí bảng chỉ dẫn về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, vật tư, nơi làm việc; không phân công người làm công tác ATVSLĐ… 

Công nhân Công ty Thiết bị Y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ) không mang nút tai chống ồn, không mặc đồ bảo hộ khi làm việc.
Công nhân Công ty Thiết bị Y tế A&I Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A, TX. Phú Mỹ) không mang nút tai chống ồn, không mặc đồ bảo hộ khi làm việc.

CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH

Qua thanh tra, Đoàn đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2 DN về công tác ATVSLĐ. Đồng thời, Đoàn cũng đưa ra hơn 80 kiến nghị yêu cầu các DN chấn chỉnh, khắc phục và thực hiện đúng quy định về công tác ATVSLĐ. Ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH, Trưởng Đoàn thanh tra nhận định: Nhìn chung, DN có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về ATVSLĐ nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Đoàn đã yêu cầu DN khắc phục tồn tại, làm tốt hơn trong thời gian tới. Điển hình như một số DN chưa thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu công tác đánh giá quản lý rủi ro, nguy hiểm. Nội dung đánh giá các mối nguy hiểm sơ sài và khi đánh giá, nhận diện được mối nguy hiểm, rủi ro thì chưa đưa ra phương án hạn chế mối nguy hiểm ấy để hạn chế tai nạn lao động. Công tác huấn luyện ATVSLĐ bị các DN cắt ngắn, nội dung huấn luyện chưa bám sát quy định. 

Cùng với đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, ngăn ngừa bệnh nghề nghiệp (BNN) cho người lao động cũng chưa được coi trọng. Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hoa, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành viên Đoàn thanh tra cho biết, thực tế qua thanh tra cho thấy DN chưa thực sự quan tâm phòng ngừa BNN cho người lao động. Việc trang bị kỹ năng phòng tránh BNN ở các DN gần như không có, phương tiện bảo vệ cá nhân chưa đầy đủ. DN có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhưng còn thực hiện sơ sài. “Nhiều DN còn thực hiện công tác ATVSLĐ mang tính đối phó. Bản thân người lao động còn chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình. Về lâu dài, người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, BNN và chính họ là người chịu thiệt vì sự chủ quan đó”, bác sĩ Xuân Hoa nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ ở các DN. Sở LĐTBXH sẽ mở các lớp tập huấn về đánh giá, quản lý rủi ro tại nơi làm việc cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ tại DN và trang bị kiến thức điều tra tai nạn lao động cho đội ngũ này. Đặc biệt, công tác huấn luyện ATVSLĐ cho đối tượng người nước ngoài làm quản lý cũng sẽ được chú trọng để giúp DN hiểu và thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ.
 (Ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH, 
Trưởng Đoàn thanh tra)

Quá trình làm việc với Đoàn thanh tra, đại diện các DN đều thừa nhận có vi phạm trong thực hiện pháp luật lao động, ATVSLĐ và hứa sớm tìm giải pháp khắc phục. Ông Lâm Duy Hải, Giám đốc Chất lượng Công ty TNHH Anchor Fasteners Việt Nam cho biết: “Những hướng dẫn của Đoàn thanh tra giúp chúng tôi nhận ra các thiếu sót trong thực hiện quy định về pháp luật lao động. Công ty sẽ từng bước khắc phục và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho người lao động, không ngừng cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để bảo đảm chất lượng sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững”.

Không phải ngẫu nhiên chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2019 là “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Bởi thực tế, muốn giảm thiểu những sự cố đáng tiếc, vấn đề quan trọng nhất là sự chủ động nhập cuộc trong phòng ngừa tai nạn lao động. Ông Nguyễn Văn Điểu cho rằng: “Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, BNN, người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Trong đó, ý thức của người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động giữ vai trò quyết định. Việc tuân thủ đúng quy trình ATVSLĐ sẽ hạn chế đáng kể tai nạn lao động”.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.