Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều khu công nghiệp (KCN) với hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất, có lượng chất thải nguy hại (CTNH) thải ra hàng ngày rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý loại chất thải này vẫn lỏng lẻo, nhiều bất cập khiến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực CTNH ngày càng tăng.
Hiện nay chất thải nguy hại như thùng sơn, giẻ lau dính dầu, bóng đèn, pin... thường được thải lẫn trong chất thải sinh hoạt. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Môi trường và đô thị Tân Thành thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt. |
CTNH TRONG CHẤT THẢI THÔNG THƯỜNG?
Sở TN-MT cho biết, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, CTNH phát sinh trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, y tế, sinh hoạt, thương mại và dịch vụ... Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý chưa được quản lý chặt chẽ nên các đơn vị xử lý CTNH hoặc chủ nguồn thải thường tìm cách để “tuồn” CTNH chưa qua xử lý ra môi trường nhằm tiết giảm chi phí xử lý.
Mới đây, ngày 22/5, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) đã lập biên bản và tạm giữ phương tiện do ông Vũ Ngọc Hội (thường trú tại TX. Phú Mỹ) điều khiển vận chuyển chất thải công nghiệp vào bãi chôn lấp chất thải do Công ty TNHH Kbec Vina (xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) quản lý vì nghi ngờ xe chở CTNH đến chôn lấp trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe ô tô tải do ông Hội điều khiển có chứa nhiều loại chất thải công nghiệp như vỏ bao bì dính cặn sơn, túi ni lông đựng keo màu đen, keo màu vàng... Trọng lượng chất thải trên xe là 10 tấn, trong đó 8 tấn đã được đổ xuống bãi. Cục Cảnh sát môi trường đã yêu cầu lái xe và máy xúc giữ nguyên hiện trạng để lấy mẫu và giám định số chất thải này.
Bụi lò thép được lưu giữ tại kho của Nhà máy thép miền Nam. |
Ông Lee Sun Hack, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kbec Vina cho biết, công ty chỉ ký hợp đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại với công ty T. (DN xử lý chất thải). Theo quy trình, xe chở chất thải vào bãi sẽ được cân trọng lượng, sau đó được cán bộ giám sát tiếp nhận. Nếu phát hiện có CTNH, công ty sẽ trả về cho đơn vị chủ nguồn thải. “Tuy nhiên, việc giám sát hiện nay chỉ được thực hiện bằng mắt thường nên cán bộ giám sát của công ty không thể phân biệt được chất thải vào bãi chôn có CTNH hay không. Trong thời gian chờ kết luận điều tra của Cục Cảnh sát môi trường, ngày 27/5, Công ty TNHH Kbec Vina đã có văn bản gửi công ty T. thông báo ngưng tiếp nhận chất thải từ công ty này, đồng thời tăng cường thêm 2 cán bộ giám sát chất thải vào bãi”, ông Lee cho biết thêm.
Trao đổi về vấn đề nay, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT xác nhận: Vụ việc này do Cục Cảnh sát môi trường phát hiện và xử lý. Đến nay Sở chưa nhận được thông báo kết luận kiểm tra từ Cục Cảnh sát môi trường. Sở cũng đã liên lạc với lãnh đạo công ty T. nhưng đơn vị này từ chối trả lời và đề nghị chờ kết luận của Cục Cảnh sát môi trường. “Tuy nhiên, nhiều người đang đặt nghi vấn có hay không việc cấu kết giữa một số người làm việc trong các DN xử lý chất thải để trộn lẫn CTNH vào bãi chôn lấp chất thải công nghiệp thông thường?”.
Ngoài vụ việc trên, những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện các DN có chức năng xử lý CTNH nhưng xử lý không đúng quy định. Trước đó, tháng 10/2016, Công ty CP Môi trường Sao Việt (TX. Phú Mỹ) - một công ty xử lý CTNH - bị cơ quan chức năng xử phạt 435 triệu đồng vì xả nước thải chưa xử lý ra môi trường. Tháng 8/2018, từ Trung tâm điều hành Quan trắc tự động, Sở TN-MT đã phát hiện nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1) xả khí thải (bụi lò) chưa qua xử lý ra môi trường...
KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (Sở TN-MT), toàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý CTNH đang hoạt động với tổng công suất 256 tấn/ngày. Theo quy định, CTNH phải được thu gom và xử lý riêng, không sử dụng công nghệ chôn lấp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng CTNH bị các DN xử lý CTNH hoặc chủ các nguồn thải chia nhỏ, trộn lẫn vào chất thải thông thường để giảm bớt chi phí xử lý hoặc một số trường hợp thu gom CTNH nhưng không xử lý đạt quy chuẩn mà lén lút xả ra môi trường.
Trong khi lượng chất thải ngày càng gia tăng, thì hiện nay vẫn chưa có chế tài áp dụng việc phân loại chất thải rắn, CTNH tại nguồn và không có sự đồng bộ trong các công đoạn thu gom, xử lý. Thêm vào đó, chi phí xử lý, tiêu hủy CTNH tốn kém nên vì lợi nhuận trước mắt, một số DN cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý CTNH. Đặc biệt, công nghệ sản xuất còn tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu, thải ra nhiều chất thải; công nghệ xử lý thậm chí còn thiếu, lạc hậu là nguyên nhân khiến chất thải không được xử lý triệt để.
Theo thống kê của Sở TN-MT, khối lượng CTNH trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 204 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 1,1 tấn/ngày, bụi lò thép phát sinh khoảng hơn 290 tấn/ngày. Ngoài các loại CTNH được thu gom, trên địa bàn tỉnh còn nguồn phát sinh CTNH từ các vụ vi phạm pháp luật trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu để đưa CTNH, chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, vỏ ô tô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng (màn hình máy tính, bản mạch điện tử...) về nước khiến cho lượng CTNH ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. |
Ngoài ra, theo phản ánh của cơ quan chức năng, hiện nay Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 60/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1/7/2016 về quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN-MT ngày 30/6/2015 về quản lý CTNH chưa có quy định nào hướng dẫn cụ thể về hình thức, nội dung của hợp đồng dịch vụ quản lý CTNH giữa các chủ thể. Đây là những “lỗ hổng” lớn. Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN-MT cũng đã bỏ trách nhiệm giám sát hoạt động quản lý CTNH của chủ nguồn thải sau khi chuyển giao. Trong chừng mực nhất định, việc bãi bỏ quy định này đã giảm thủ tục, tránh phiền hà cho DN. Tuy nhiên, nếu chủ nguồn thải CTNH không thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý CTNH sau khi chuyển giao thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các chủ thể cung ứng dịch vụ không thực hiện đúng yêu cầu bằng cách đổ trộm CTNH ra môi trường.
Theo ông Đặng Sơn Hải, ngoài các nguyên nhân trên, hiện nay các nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh đều do Bộ TN-MT cấp phép nên cơ quan chức năng địa phương thường chỉ là đơn vị phối hợp với Bộ TN-MT kiểm tra định kỳ mỗi năm 1 lần chứ không thể tổ chức kiểm tra riêng. Hơn nữa, các DN xử lý CTNH chủ yếu tập trung trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên nhưng khu xử lý này vẫn chưa có hệ thống quan trắc tự động, hệ thống xử lý nước thải tập trung nên việc giám sát bảo vệ môi trường của các DN thứ cấp gặp nhiều khó khăn.
Bài, ảnh: QUANG VŨ