Theo quy định, cứ 2 năm một lần, các DN cảng phải duy tu, nạo vét vùng nước trước bến cảng một lần. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, các DN cảng ở khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) chưa thể thực hiện hoạt động này vì vướng thủ tục và tìm nơi đổ bùn thải sau nạo vét.
Tình trạng luồng bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu có mớn nước lớn cập cảng. Trong ảnh: Tàu cập cảng làm làm hàng tại Cảng TCIT. |
Độ sâu luồng vào và độ sâu trước bến có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng, đặc biệt là với cảng nước sâu ở CM-TV. Báo cáo của Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam cho thấy, 2 năm qua do việc nạo vét khu vực trước bến chưa được thực hiện nên vùng bến trước cảng tại CM-TV đang có hiện tượng bị bồi lấp với khối lượng ước tính lên tới gần 1 triệu m3. Nếu không được nạo vét kịp thời, các cảng có thể mất cơ hội đón tàu trọng tải lớn.
Đại diện Cảng quốc tế SP-PSA cho biết, DN này đang gặp khó khăn trong việc đón tàu nông sản vì chỉ khai thác được bến 1 có độ sâu -13m. Riêng bến 2, do độ sâu trước bến chỉ còn -7m nên không thể đưa tàu vào vận chuyển hàng hóa. Để khai thác bến 2, DN phải chờ thủy triều lên mới đón được tàu có mớn nước từ -13m và không thể đón 2 tàu cùng lúc. Do đó, từ cuối năm 2018 đến nay, đã có 10 tàu nông sản trọng tải từ 55.000DWT đến 80.000DWT không thể cập cảng làm hàng. Ông Hồ Lương Quân, Tổng Giám đốc Cảng SP-PSA cho biết: Nếu luồng lạch không được khơi thông, SP-PSA tiếp tục lỡ cơ hội đón tàu có trọng tải lớn vào cảng.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT) cho rằng, do luồng ngày càng bị bồi lấp nên các tàu có mớn nước lớn phải chọn thời gian hành trình dựa theo thủy triều để cập cảng. Điều này làm giảm tính chủ động trong kế hoạch tàu và giảm khả năng khai thác của cảng, tăng thời gian tàu chờ tại cảng. Trong khi đó, theo ông Bruno Gutton, Tổng Giám đốc Công ty CMA CMG Việt Nam, từ năm 2018 đến nay đã có 12 chuyến tàu của công ty vào CM-TV phải chuyển hướng sang Trung Quốc hoặc chờ thủy triều lên để vào cảng vì luồng và vùng nước trước bến không đủ độ sâu. Hiện nay, các hãng như CMA CGM, MOL đang đóng mới các tàu trên 20.000 TEUs, hướng đến các tàu có trọng tải 24.000 TEUs. Do đó, tình trạng độ sâu luồng và vùng trước bến không bảo đảm sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút tàu có trọng tải lớn vào làm hàng.
Bốc dỡ hàng container tại Cảng CMIT. |
Được biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã có kế hoạch nạo vét luồng, bảo đảm độ sâu an toàn cho tàu lớn ra vào các cảng. Tuy nhiên, trở ngại lớn là chưa có nơi chứa hàng triệu khối bùn đất sau khi nạo vét. Được biết, từ năm 2018, các DN cảng biển đã nộp hồ sơ đề nghị được nạo vét, duy tu bến lên cơ quan chức năng nhưng vị trí đổ bùn vẫn chưa được Bộ TN-MT phê duyệt. Trong thời gian này, các tàu mẹ và tàu vận tải lớn trên thế giới đã không thể cập cảng, dẫn đến nhiều trường hợp hủy vào cảng.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 2 vị trí đổ bùn nạo vét trên địa bàn gồm: ngoài khơi, cách mũi Vũng Tàu 10km (khu A) và cù lao Mỏ Nhát, TX. Phú Mỹ (khu B). Tuy nhiên, theo Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam, việc đổ vật liệu nạo vét hàng hải do Bộ TN-MT cấp phép nên việc này vẫn phải chờ ý kiến từ Bộ.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “DN trong cụm cảng số 5 tỉnh BR-VT” vào cuối tháng 4/2019, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Việc nạo vét vùng nước trước bến tại các cảng ở khu vực CM-TV chưa được thực hiện là do vướng mắc thủ tục nhận chìm. Trước khi có Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo, chỉ cần đánh giá tác động môi trường, địa phương giới thiệu nơi nhận chìm chất nạo vét, sau đó tiến hành công việc bình thường. Tuy nhiên, sau khi luật ra đời, các DN phải làm thêm nhiều thủ tục phức tạp về đánh giá tác động môi trường cả nơi nạo vét lẫn nơi nhận chìm. Bộ TN-MT đang nghiên cứu tháo gỡ theo hướng cho BR-VT lập quy hoạch tổng thể một khu vực nhận chìm chung cho cả tỉnh, đánh giá tác động môi trường chung cho toàn bộ các cảng tại CM-TV. Sau đó, Bộ TN-MT sẽ giao tỉnh và Bộ GT-VT lựa chọn vị trí thích hợp nhất để nhận chìm. Về chi phí, nhà đầu tư sẽ tính toán và phân bổ cho từng DN khi có nhu cầu duy tu, nạo vét vùng nước trước bến.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN