Xu hướng "Kiến trúc xanh"

Thứ Ba, 14/05/2019, 17:36 [GMT+7]
In bài này
.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các tòa nhà, hướng tới những công trình xanh, đô thị xanh… là xu hướng kiến trúc tất yếu trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như nước ta hiện nay. Tại BR-VT, “kiến trúc xanh” đang được định hướng trong quy hoạch phát triển đô thị.

Người dân tham quan triển lãm “Kiến trúc xanh”, một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại TP. Vũng Tàu vào cuối tháng 4-2019.
Người dân tham quan triển lãm “Kiến trúc xanh”, một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại TP. Vũng Tàu vào cuối tháng 4-2019.

Resort Six Senses ở khu vực Cỏ Ống, huyện Côn Đảo nhiều năm liền được công nhận là “Công trình xây và thiết kế xuất sắc nhất thế giới dành cho loại khách sạn dạng nhỏ” của giải thưởng International Commercial Property Awards (Mỹ). Điểm đặc biệt của resort này chính là sự thân thiện với môi trường. Tất cả các vật liệu kiến trúc xây dựng đều được sử dụng từ những nguồn tự nhiên. KDL này mang phong cách thiết kế kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng của làng cá truyền thống Việt Nam với 50 biệt thự được làm bằng gỗ dọc bờ biển. Theo đánh giá của các chuyên gia, công trình này sử dụng các giải pháp kỹ thuật như: ưu tiên sử dụng vật liệu bằng gỗ, hạn chế tối đa tỷ lệ kính trên tường; sử dụng điện năng lượng mặt trời; có thiết bị thu hồi nhiệt từ khí thải; hệ thống thu nước mưa và thu hồi nước thải… Với các giải pháp trên, mỗi năm công trình này có thể giảm 20-50% phí sử dụng năng lượng, 20-30% chi phí sử dụng nước và tiết kiệm được 20% vật liệu xây dựng ban đầu…

Six Senses Resort chỉ là một trong số những công trình kiến trúc được xem là “công trình kiến trúc xanh” tại Việt Nam. Hiện nay nhiều DN bất động sản để tạo sự khác biệt và khẳng định vị thế trên thị trường đã chuyển hướng xây dựng một số công trình lấy yếu tố xanh làm trọng tâm để tạo ra sự tươi mới trong diện mạo của các công trình tại thành phố. Tại BR-VT, có thể kể đến một số công trình, dự án bảo đảm không gian xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm như: Làng Bình An (TP. Vũng Tàu), KDL Osaka Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc); chung cư Kim Tơ (huyện Long Điền)…

 KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, kiến trúc xanh (KTX) thường gắn liền với công trình xanh chủ yếu như tiết kiệm nước, năng lượng và bảo vệ sức khỏe con người, song có phạm trù rộng hơn liên quan tới giảm thiểu ô nhiễm và gần thiên nhiên, thân thiện với môi trường… Theo đó, các công trình có KTX có thể tiết kiệm 20-50% mức tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí xây dựng. Lợi ích rõ ràng nhất của công trình KTX là giảm chi phí vận hành. Ngoài ra, hiện nay mỗi năm Việt Nam có thêm 100 triệu m2 nhà ở, mỗi năm trung bình 1m2 nhà ở tiêu thụ khoảng 120kWh điện năng. Do đó, nếu áp dụng tốt các tiêu chí KTX như nhiều quốc gia, nghĩa là mức tiêu thụ điện của 1m2 nhà ở chỉ còn 60kWh/năm, sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được một lượng điện lớn.

Không gian kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu gần gũi với môi trường tại Six Senses Côn Đảo resort.
Không gian kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu gần gũi với môi trường tại Six Senses Côn Đảo resort.

Tại các diễn đàn về kiến trúc, nhiều KTS đã rất quan tâm đến KTX, kiến trúc bền vững. Theo đó, để thực hiện một công trình xanh, các yếu tố tự nhiên như: nắng, gió, mặt nước và cây xanh… là thứ thiết yếu và quan trọng. Ngoài ra, việc quyết định và chọn lựa sử dụng các vật liệu xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Đối với BR-VT là một đô thị biển, đô thị du lịch thì KTX là xu hướng tất yếu mà địa phương cần quan tâm. KTS Nguyễn Đức Lập, Phó Chủ tịch Hội KTS tỉnh BR-VT nhận định, BR-VT có yếu tố biển, du lịch - thuận lợi để kích hoạt trào lưu KTX. Bởi khách du lịch ngày càng có nhu cầu cao được trải nghiệm không gian xanh của các khu du lịch, resort… Do đó, nếu phát triển KTX sẽ tạo thành những điểm nhấn cho BR-VT. “Hiện nay, Khu Tây Nam, Bắc Vũng Tàu, Long Sơn… là những khu đô thị mới mà BR-VT đang quy hoạch thành đô thị xanh theo hướng kiến trúc bền vững”, ông Lập nói.

Theo ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, BR-VT là một trong những địa phương ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vì vậy, lựa chọn con đường phát triển xanh bền vững, sử dụng năng lượng và nguồn tài nguyên có hiệu quả, tạo môi trường sống hài hòa với thiên nhiên là nhu cầu cấp bách và cần thiết. Ngoài chủ trương thu hút đầu tư phải ưu tiên các dự án bảo đảm yếu tố môi trường, trong việc xây dựng quy hoạch đô thị BR-VT cũng luôn chú trọng đến tăng trưởng xanh, phát triền bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tỉnh cũng có các chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường như sử dụng gạch không nung, đồng thời  tích cực đầu tư hệ thống công viên cây xanh trong đô thị…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.