Những ngày gần đây, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đều “sốc” khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4. Theo phản ánh, so với tháng 3, tiền điện tháng 4 “nhảy vọt” với mức tăng từ 35% đến hơn 70%, trong khi giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% và áp dụng từ 20-3.
Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cộng với giá điện điều chỉnh tăng đã đẩy giá điện tháng 4 của nhiều hộ gia đình tăng. Trong ảnh: Nhân viên Điện lực Long Điền sửa chữa điện trên địa bàn huyện. |
Vừa mở tin nhắn thông báo tiền điện tháng 4, chị Sử Thị Hiếu (chung cư Thông tin, TP. Vũng Tàu) giật mình bởi so với tháng trước, tiền điện tháng 4 của gia đình chị tăng thêm hơn 460.000 đồng. Chị Hiếu cho biết, trong tháng 3 gia đình chị tiêu thụ 341kWh điện với số tiền phải trả 752.000 đồng. Tháng 4, do trời nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của gia đình tăng lên 478kWh, tiền điện phải trả là 1.213.586 đồng. “Tháng vừa rồi, sản lượng điện tiêu thụ của nhà tôi tăng 123 kWh nhưng tiền điện tăng tới 60% so với tháng trước. Trong khi đó, theo thông báo của ngành điện, giá điện chỉ tăng 8,36%”, chị Hiếu nói.
Tương tự, tiền điện tháng 4 của gia đình chị Lưu Phương Thảo (đường Phạm Văn Dinh, TP. Vũng Tàu) cũng tăng 686.000 đồng so với tháng trước. Chị Thảo cho biết, gia đình chị kinh doanh dịch vụ cưới hỏi, cho thuê áo cưới, do đó tiền điện hàng tháng khá cao. Chị Thảo cho chúng tôi xem hóa đơn tiền điện trong 3 tháng đầu năm 2019, trung bình là 1,2 triệu đồng/tháng. Tháng 3 vừa rồi, nhà chị dùng hết 501kWh, tiền điện hết 1.233.000 đồng. Tuy nhiên, tháng 4 gia đình chị tiêu thụ 705kWh và phải trả 1.919.000 đồng.
Đây cũng là thắc mắc chung của nhiều khách hàng khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4. Lý giải nguyên nhân tiền điện tăng, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực BR-VT cho biết, tháng 3 và 4 là cao điểm nắng nóng, có ngày lên gần 380C. Từ đó dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dùng cho thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao so với tháng trước đó. Ghi nhận trong tuần cuối tháng 4, ngày có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là 21 triệu kWh, tăng 13% so với cùng kỳ nắng nóng năm 2018.
Bên cạnh đó, đây là tháng đầu tiên áp dụng biểu giá điện mới theo quyết định của Bộ Công thương, với mức tăng giá 8,36%. Biểu tính giá điện mới được chia làm 6 bậc: Bậc 1 từ 0-50kWh giá 1.678 đồng/kWh; bậc 2 giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100kWh; bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200kWh; bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401kWh trở lên. Vì vậy, khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao. Cụ thể, một khách hàng dùng 50 kWh tính theo giá cũ là 77.450 đồng, với giá mới phải trả 83.900 đồng. Tổng cộng hộ này phải trả thêm 6.450 đồng cho 50 kWh điện bậc 1. Với hộ dùng 300kWh nếu theo giá cũ sẽ phải trả 577.250 đồng, theo giá mới là 635.600 đồng, tăng thêm 58.350 đồng. Nếu lượng tiêu thụ điện của khách hàng vừa tăng, cộng với yếu tố tăng giá, tổng tiền điện sẽ tăng cao hơn 8,36%. Chẳng hạn, một hộ gia đình dùng 200kWh tính theo giá cũ phải trả 343.000 đồng. Nếu lượng điện hộ này sử dụng tăng lên 250kWh, cộng hưởng với việc tăng giá, tổng số tiền phải trả là 499.000 đồng, cao hơn 156.000 đồng, tương ứng tăng thêm 45%.
Ngoài ra, một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3). Số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Điều này kết hợp với việc giá bán điện được điều chỉnh tăng làm tổng số tiền điện tăng hơn so với tháng trước.
Sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh trong tháng 4 khoảng 567 triệu kWh, tăng 139,6 triệu kWh so với tháng 2. Trong tuần cuối tháng 4, ngày có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất là 21 triệu kWh, tăng 500 ngàn kWh so với ngày cao điểm nhất trong tháng 2. Dự báo trong tháng 5, sản lượng điện tiêu thụ cao nhất/ngày sẽ đạt 23,5 triệu kWh, tăng khoảng 3 triệu kWh so với ngày cao nhất của tháng 2. |
Thời gian nắng nóng còn tiếp tục kéo dài trong tháng 5 nên dự báo nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt còn tăng. Vì vậy, ngoài việc khuyến cáo người dân sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, ngành điện đã chủ động các phương án bảo đảm cấp điện ổn định. Ông Trần Thanh Hải cho biết: Dự báo nhu cầu sử dụng điện trong mùa nắng nóng tăng cao, ngành điện đã rà soát hệ thống lưới điện từng khu vực. Trong đó, ngành xác định những khu vực tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh nên đã tăng công suất máy biến áp, đường dây, bảo đảm cấp điện ổn định tại các khu vực này. Còn tại các khu dân cư, ngành cũng đã kiểm tra lưới điện và tiến hành bảo trì. Vừa qua, một số khu vực xảy ra sự cố điện cục bộ, ngành điện đã bố trí lực lượng kiểm tra, sửa chữa kịp thời để bảo đảm nguồn điện sinh hoạt cho người dân.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU