Cùng với việc đưa ra các gói tín dụng phù hợp với từng lĩnh vực, ngành hàng, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ cho vay, các ngân hàng còn áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn (NN-NT) thấp hơn so với lĩnh vực khác. Điều này không chỉ giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn mà còn góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Trong thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn. Trong ảnh: Dịch vụ cho vay lưu động trên địa bàn thị trấn Long Hải của Agribank. |
Bà Phan Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cho biết: Trong những năm qua, NHNN luôn xác định NN-NT là một trong các lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn tín dụng. Do đó, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời vốn cho lĩnh vực này. Đồng thời cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân. Bên cạnh đó, NHNN còn triển khai đến TCTD các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển đối với một số lĩnh vực nông nghiệp đặc thù như: Chính sách tín dụng đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp sạch…
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có các gói vay ưu đãi phục vụ NN-NT. Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc khối kinh doanh Nam Á Bank cho biết: Đơn vị đang triển khai gói ưu đãi lãi vay để phát triển NN-NT với hạn mức cho vay đến 100% nhu cầu vốn, thời hạn 60 tháng, lãi suất 9%/năm. Chương trình được áp dụng đến hết tháng 6-2019. Trước đó, một số ngân hàng khác như: Vietinbank, Agribank, HDBank… cũng triển khai nhiều gói vay ưu đãi nhằm hỗ trợ DN sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân vay vốn phục vụ sản xuất- kinh doanh.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43/49 chi nhánh TCTD tham gia cho vay lĩnh vực NN-NT, trong đó có 8 chi nhánh ngân hàng thương mại triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng phục vụ NNCNC, nông nghiệp sạch với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với mức lãi suất thông thường cùng kỳ hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với lĩnh vực NN-NT, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN NNCNC ở mức 6-6,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn ở mức 7-11%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9-12%/năm. Tính đến đầu tháng 5-2019, doanh số cho vay phục vụ phát triển NN-NT đạt 10.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 14,31% so với đầu năm, chiếm 30,14% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Theo đánh giá của NHNN, dù cho vay lĩnh vực NN-NT đã đạt được kết quả khích lệ nhưng việc cho vay ở lĩnh vực này vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Các mô hình liên kết còn ít, chưa hiệu quả, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay...
Để dòng vốn tín dụng tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực NN-NT, năm 2019, NHNN sẽ hoàn thiện và bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích các TCTD mở rộng cho vay sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực NN-NT; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các chương trình phát triển NNCNC, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, năm 2019 NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiếp tục coi NN-NT là một những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong đầu tư và mở rộng tín dụng. Do đó, cần xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; triển khai kịp thời các quy định mới về chính sách tín dụng phục vụ NN-NT tại Nghị định 116/2018/NĐ-CP và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn nhằm giúp người dân, DN hoạt động trong lĩnh vực NN-NT ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất.
Bài, ảnh: PHAN HÀ