Trong quý I-2019, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Một trong những nguyên nhân chính là thị trường này bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu, đặc biệt là các loại trái cây. Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thách thức đối với ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam, tuy nhiên, cũng là thời cơ để DN và nông dân nâng cao quy chuẩn và chất lượng sản phẩm.
Nếu làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc, nhiều loại trái cây hiện đang chỉ xuất khẩu bằng tiểu ngạch qua Trung Quốc có cơ hội lớn vào thị trường này bằng chính ngạch. Trong ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại nhà bà Chạc Bắc Kiếu, xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH |
TIÊU CHUẨN NGÀY CÀNG KHẮT KHE
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đó có trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam có 8 loại trái cây được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này gồm: Xoài, nhãn, chuối, vải thiều, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long. Từ ngày 1-1-2019, các loại trái cây này xuất khẩu sang Trung Quốc này đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho hải quan. Bên cạnh đó, từ ngày 1-5, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu, không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít, yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối, yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Công văn của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhấn mạnh có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Thứ nhất là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Thứ hai là DN xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Như vậy, có thể thấy rằng, Trung Quốc đang dần tiến tới việc không còn là thị trường “dễ tính”. Việc xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đã được siết chặt hơn với hàng loạt các yêu cầu, quy chuẩn cao hơn.
Thương lái thu mua xoài tại ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. |
Qua khảo sát, hiện nay các nhà vườn trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá mập mờ về những yêu cầu mới của thị trường quan trọng này. Ông Nguyễn Thành Tài (ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đang trồng 1ha xoài, chủ yếu cung cấp cho các thương lái để xuất bán sang Trung Quốc. Ông Tài cho biết: “Tôi cũng đã nghe qua về việc Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc trái cây khi nhập khẩu. Tuy nhiên, tôi bán chủ yếu qua thương lái nhưng từ đầu năm vẫn chưa thấy họ yêu cầu nên tôi và đa số các hộ trồng xoài ở xã vẫn chưa thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Trong khi đó, theo ông Trần Bốn (ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), người đang trồng 1ha thanh long ruột đỏ, đa số trái cây trên địa bàn tỉnh được các thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, giá cả và lượng hàng bán được đều giảm so với trước. Nguyên nhân không chỉ do Trung Quốc đã trồng được thanh long mà đến từ yêu cầu truy xuất nguồn gốc trái cây gắt gao hơn trước. “Hiện nay, tôi và nhiều hộ nông dân trồng thanh long vẫn chưa làm quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm bởi thương lái thu mua vẫn chưa yêu cầu. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu cần thiết tôi sẽ tiến hành thực hiện để sản phẩm của mình có giá trị hơn. Tôi cũng mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về vốn và quy trình để nông dân có điều kiện thực hiện việc cực kỳ cần thiết này”, ông Bốn nói.
Vừa qua, Trung Quốc đã có thêm một số quy định mới đối với trái cây nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có chuối cấy mô. Trong ảnh: Đóng gói chuối cấy mô xuất khẩu tại ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc. |
THAY ĐỔI ĐỂ ĐÁP ỨNG THỊ TRƯỜNG
Theo Bộ NN-PTNT, theo lộ trình, từ tháng 10-2019, Trung Quốc sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy xuất nguồn gốc tùy hàng hóa. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm 81% giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam. Do đó, bài toán đặt ra cho nông sản là muốn xuất khẩu sang thị trường này cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, cấp mã số và vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGap. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần rà soát, cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường cũng như nâng cao tỷ lệ chế biến sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản.
Ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, với diện tích canh tác trên 9.000ha và đang có xu hướng tăng lên, trái cây là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của BR-VT. Theo ông Toàn, nếu như trước đây, Trung Quốc được xem là một thị trường “dễ tính” bởi lượng tiêu thụ lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng thì hiện nay nước này đang siết chặt việc quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu. “Hiện nay, trái cây xuất sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị không cao và thường xuyên bị ép giá. Vì vậy, các DN và nông dân nếu tận dụng được thời cơ này để nâng cao, quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc thì sẽ tăng số lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Bên cạnh đó, chủng loại trái cây được xuất khẩu cũng sẽ đa dạng hơn chứ không chỉ gói gọn trong 8 loại như hiện nay. Ví dụ như sầu riêng, với diện tích canh tác đang tăng nhanh như hiện nay, nếu bà con nông dân làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc được nhập chính ngạch vào Trung Quốc sẽ giúp giá trị của loại trái cây này tăng lên nhiều lần”, ông Toàn thông tin.
Phát triển trọng điểm các loại trái cây đặc sản
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện đã có nhiều loại trái cây của tỉnh như chuối, thanh long, xoài… được các DN, HTX và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều kiện để trái cây BR-VT thâm nhập sâu không chỉ vào Trung Quốc mà còn có sức hút hơn với thị trường nội địa và các quốc gia khác. Tuy nhiên, diện tích, chủng loại và số lượng DN thực hiện được truy xuất nguồn gốc này vẫn khá ít. Ông Nguyễn Chí Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Do đó, hiện ngoài việc đẩy nhanh việc hỗ trợ DN, nông dân thực hiện quy trình sản xuất sạch và truy xuất nguồn gốc đối với các loại trái cây thông thường, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển 4 loại đặc sản của tỉnh gồm: nhãn 1.200ha, mãng cầu ta 1.000ha, bưởi da xanh 500ha; thanh long 300ha. Các loại trái cây này sẽ được chú trọng hỗ trợ trọng điểm để xây dựng thương hiệu và thực hiện đầy đủ các quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế”.
|
Bên cạnh đó, theo ông Toàn, đặc thù của BR-VT so với một số tỉnh khác là không có nhiều DN xuất khẩu trực tiếp trái cây nên việc thu mua được thông qua nhiều khâu trung gian từ thương lái. Do đó, việc quản lý truy xuất nguồn gốc càng trở nên phức tạp. Ông Toàn khuyến cáo: “DN và bà con nông dân cần chú ý thực hiện đầy đủ và đúng quy định trong dán nhãn hoặc truy xuất kho, bãi, nơi sản xuất. Tới đây, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát quá trình này. Đồng thời có các giải pháp để nông dân thực hiện trồng theo hướng an toàn, có truy xuất nguồn gốc”.
Bài, ảnh: QUANG VINH