Trao "cần câu" cho hộ nghèo

Thứ Tư, 29/05/2019, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, nhờ triển khai nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Đất Đỏ giảm hẳn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Hội Nông dân xã Phước Hội và Hội Nông dân huyện hướng dẫn gia đình anh Ngô Văn Tý cách chăm sóc bò sinh sản.
Cán bộ Hội Nông dân xã Phước Hội và Hội Nông dân huyện hướng dẫn gia đình anh Ngô Văn Tý cách chăm sóc bò sinh sản.

Năm 2009, gia đình anh Ngô Văn Tý (ấp Tân Hội, xã Phước Hội) mua 1 con bò sinh sản với giá 19 triệu đồng. Sau đó, anh đã phát triển được đàn bò 6 con. Anh xuất bán 4 con, thu lãi 20 triệu đồng. Đầu năm 2018, ngoài 2 con bò sinh sản sẵn có, anh được Quỹ Hội nông dân huyện cho vay 30 triệu đồng trong 3 năm, với lãi suất 0,7%/tháng để mua thêm 2 con bò sinh sản. Anh Tý dự tính, từ 4 con bò sinh sản này, hơn 1 năm nữa anh có thể xuất chuồng 4 con. Với giá bán như hiện nay khoảng 25 triệu đồng/con bò thịt, 8 triệu đồng/con bò giống thì chỉ sau 2 năm, gia đình anh sẽ trả hết vốn vay và có lãi. Ngoài nuôi bò, anh Tý còn đi làm phụ hồ, dọn vệ sinh kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. “Nhờ nguồn vốn vay của Hội Nông dân cùng những kiến thức được tập huấn, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Tý cho biết thêm. 

Từ 2 năm trước, ông Nguyễn Duy Thanh (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng nhãn xuồng cơm vàng để phát triển kinh tế gia đình. Khi chuyển đổi cây trồng, ông được địa phương hỗ trợ cây giống, phân bón, cải tạo đất và kỹ thuật chăm sóc cây nhãn. Nhờ đó, vườn nhãn của gia đình ông phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. “Vụ vừa rồi, 500m2/1ha nhãn đã cho 1,6 tấn trái. Với giá bán trung bình 35 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn trồng xen canh đậu phộng để tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn hơn”, ông Thanh nói.

Theo của UBND huyện Đất Đỏ, xác định được đặc tính đất đai không màu mỡ, huyện đã vận động bà con nông dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện canh tác, chăn nuôi của từng hộ. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự chung tay của toàn xã hội, với nhiều hoạt động thiết thực như: hướng dẫn làm ăn, hỗ trợ và cho vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà đại đoàn kết, cấp thẻ BHYT cho người nghèo, miễn giảm học phí cho HS có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ vốn, cây, con giống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân, hạn chế tình trạng thất nghiệp dẫn đến đói nghèo. Giai đoạn 2013-2018, huyện đã mở 37 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 926 lao động nông thôn. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, 90% lực lượng lao động nông thôn đã biết áp dụng các kiến thức đã học để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. 

Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh. Năm 2018 huyện có 1.097 hộ nghèo/19.450 hộ dân, chiếm tỷ lệ 5,64%, đến đầu năm 2019, số hộ nghèo đã giảm còn 746 hộ, chiếm tỷ lệ 3,76% so với tổng số hộ dân toàn huyện. Huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019 tiếp tục giảm số hộ nghèo xuống còn 332 hộ (chiếm 1,67%) so với tổng số hộ dân trên địa bàn huyện. 

Bà Trần Thị Kim, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện cho biết, dù vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu của người dân nhưng bằng những việc làm tích cực và thiết thực, huyện Đất Đỏ đã tạo cơ hội thuận lợi cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. “Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai việc xác định hộ nghèo và thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời công khai, chính xác, đúng đối tượng, không để xảy ra thắc mắc, khiếu nại. Đồng thời phối hợp với các DN đào tạo nghề theo nhu cầu của DN để giới thiệu hộ nghèo vào làm việc”, bà Trần Thị Kim nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.