Do thiếu nguồn vốn đầu tư, duy tu, sửa chữa nên hiện nay nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) của huyện Xuyên Mộc xuống cấp, hư hỏng nặng, gây khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho người dân.
Đường ông Lãnh (ấp Suối Lê, xã Tân Lâm) nhiều năm qua là nỗi ám ảnh của người dân. |
Sau cơn mưa từ chiều hôm trước, sáng 27-5, tuyến đường liên xã Hòa Hiệp-Tân Lâm (thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) hình thành những “ao nước” án ngữ trên mặt đường. Con đường này dài chừng 6,5km nhưng có tới hàng trăm ổ gà, ổ voi. Vừa chạy xe qua đoạn đường lầy lội, anh Tuấn Anh (ấp Phú Vinh, xã Hòa Hiệp) không giấu được sự bức xúc: “Hơn chục năm qua, mỗi khi vào mùa mưa con đường này luôn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây, ngày nắng thì bụi mù mịt nhưng khổ nhất là mùa mưa, nhiều chỗ đọng thành vũng lớn, chiều tối nhiều người không dám chạy xe vì sợ trơn trượt. Người dân trong vùng ai cũng ngại mỗi khi phải đi ra đường vì đường nhiều ổ gà, quá xóc, nhiều chỗ nước mưa đọng thành vũng lớn”.
Bà Tạ Thị Ty (ấp Phú Vinh, xã Hòa Hiệp) cho biết thêm: “Vào mùa mưa, đường ngập sình, các em HS đi học cực lắm, lội lõm bõm, té lên té xuống. Nhiều lần nghe tin Nhà nước sẽ làm đường, chúng tôi mừng lắm nhưng cứ ngóng từ mùa mưa này tới mùa mưa khác, nay gần cả chục năm rồi mà chỉ thấy đường càng ngày càng có nhiều ổ gà, ổ voi hơn”.
Theo ông Vũ Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, đường liên xã Hòa Hiệp-Tân Lâm là tuyến đường huyết mạch của bà con 2 xã, được tráng nhựa vào năm 2007 nhưng do hàng năm không được duy tu, bảo dưỡng nên hiện tại mặt đường đã hư đến 80%, nhiều chỗ trơ cả nền đá bên dưới. Ngoài tuyến đường trên, xã Hòa Hiệp còn nhiều tuyến đường GTNT xuống cấp trầm trọng. Điển hình như tuyến đường Cây Cầy, đường Liên ấp Phú Vinh-Phú Thiện, khu vực Bàu Lê được rải đá từ năm 2003, đường đã bị hư hỏng nhưng vẫn chưa được cấp kinh phí để duy tu. Thấy người dân đi lại quá khó khăn, xã trích kinh phí để rải đá, dặm vá lại một số đoạn hư hỏng nặng, nhưng chỉ sau một mùa mưa là đường bị xói mòn nên đâu lại vào đấy.
Tuyến đường liên xã Hòa Hiệp-Tân Lâm bị sụp lún, tạo “hố gà, hố trâu” nguy hiểm cho người tham gia giao thông. |
Còn tại xã Tân Lâm chỉ khoảng 100km đường GTNT nhưng có tới 20% trong số đó xuống cấp nặng hoặc đang là đường đất. Ở đây, mỗi lần nói đến đường ông Lãnh (ấp Suối Lê, xã Tân Lâm), người dân thường gọi là tuyến đường gian truân nhất. Bởi mỗi khi vào mùa mưa mặt đường bị băm nát với hàng loạt những ổ trâu, ổ voi. Mưa xuống nhiều vị trí nước đọng lởm chởm đá tạo thành những hố sâu 20-40cm như những cái bẫy nguy hiểm đối với người đi đường. Theo bà Tạ Thị Mai - một người dân sống lâu năm ở đây cho biết, mỗi khi con đi học phải mang theo chai nước sạch, khi ra tới đường nhựa, dùng nước rửa chân sạch sẽ mới tới trường vì bụi phủ đầy. Trong khi đó, nhiều tuyến đường liên thôn tại địa bàn xã Tân Lâm đến nay vẫn chỉ là đường đất. Ông Dương Biên (ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm) cho hay, từ ngày thành lập ấp Bàu Chiên đến nay đã 20 năm nhưng các tuyến đường vào thôn như đường tổ 10 nhánh 1 và 2 vẫn là đường đất.
Theo báo cáo của huyện Xuyên Mộc, hiện tại trên địa bàn huyện có hơn 1.064km đường GTNT, trong đó có 224,6km/167 tuyến đường vẫn là đường đất, chiếm tỷ lệ gần 18%. Ngoài ra, có khoảng 20% các tuyến đường đã đầu tư từ 7-10 năm trước nhưng do kết cấu đường thấp, lưu lượng xe ngày càng lớn gây hư hỏng nặng, cần được tiến hành duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa được bố trí kinh phí nên kế hoạch duy tu sửa chữa đường GTNT năm 2019 chưa thực hiện.
Được biết, từ năm 2012-2014, huyện Xuyên Mộc không được tỉnh bố trí ngân sách để duy tu sửa chữa, từ năm 2015-2018 bố trí tổng nguồn vốn 150 tỷ đồng, số tiền này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu duy tu, sửa chữa đường GTNT. Do đó huyện ưu tiên kinh phí sửa chữa những tuyến đường trọng yếu bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng trước. Ông Huỳnh Phi Khánh, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Xuyên Mộc cho biết, huyện đã có tờ trình UBND tỉnh đầu tư các tuyến đường mới và nâng cấp sửa chữa các tuyến đường tại các xã Hòa Hiệp, Tân Lâm, đồng thời huyện cũng kiến nghị hàng năm tỉnh cần bố trí nguồn vốn duy tu bảo dưỡng để rà soát những tuyến đường mới có dấu hiệu hư hỏng nhằm sửa chữa kịp thời, bảo đảm “tuổi thọ” cho công trình.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN