Mô hình chăn nuôi an toàn đang ngày càng được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng. Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được dịch bệnh, đồng thời khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chị Lê Thị Cẩm Loan chăm sóc đàn heo rừng lai 2 tháng tuổi. |
Từ 2 chuồng (10m2/chuồng) nhận làm mô hình trình diễn “Nuôi heo rừng lai thương phẩm theo công nghệ sinh học” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, đến nay cơ sở nuôi heo của chị Lê Thị Cẩm Loan (33 Tuệ Tĩnh, phường Long Toàn, TP. Bà Rịa) đã phát triển lên 10 chuồng, mỗi năm cung cấp cho thị trường 2 tấn thịt heo rừng thương phẩm. Chị Loan cho biết, trước đây chị chăn nuôi heo theo cách truyền thống, dù đã sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Năm 2018, chị tham gia mô hình “Nuôi heo rừng lai theo hướng công nghệ sinh học”. Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chị cải tạo 20m2 chuồng cũ thành 2 ô, có vách ngăn bằng xi măng, quây lưới B40, lợp mái che. Bên trong mỗi ô chuồng trải lớp đệm cao 60cm gồm 90% trấu và 10% mùn cưa. Sau đó, chị dùng 2kg men Balasa No1 đã ủ qua đêm, cùng 10kg cám bắp hòa nước trộn đều tưới lên lớp đệm lót, đảo đều, ủ trong 10 ngày rồi thả heo giống vào nuôi. Ban đầu, chị được hỗ trợ 10 con heo giống có trọng lượng mỗi con 15kg. Sau 6 tháng nuôi, chị bán ra thị trường 400kg heo thịt, trừ chi phí, chị thu lãi 8 triệu đồng.
Theo chị Loan, heo rừng lai F1 là loài động vật bán hoang dã, thịt nhiều nạc ít mỡ, có da dày nhưng giòn. Khi nuôi nhốt, thức ăn của heo chủ yếu là rau muống, chuối cây, lục bình, hèm bia, bã đậu… Đây là những phụ phẩm có sẵn, dễ kiếm ở địa phương, kết hợp thêm 30% cám bắp, chi phí thấp mà sản phẩm thịt heo lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là mô hình chăn nuôi thân thiện môi trường, có thể áp dụng nuôi ở gần khu dân cư, chi phí đầu tư xây dựng chuồng thấp, tiết kiệm được công chăm sóc, giảm tỷ lệ bệnh thường gặp trong chăn nuôi. Ngoài ra, sau 2 đợt nuôi, các giá thể làm đệm có thể ủ làm phân bón cho cây trồng. “Từ 2 ô chuồng, đến nay tôi đã phát triển lên 10 ô, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh khoảng 2 tấn heo thịt heo rừng lai. Với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg heo hơi, tôi thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm”, chị Loan nói thêm.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã đầu tư nhiều mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học cho heo, gà và sử dụng thức ăn men ủ vi sinh hoạt tính. Ngoài ra, sau khi học tập kinh nghiệm chăn nuôi tiên tiến của các nước, hiện nay nhiều hộ dân cũng mạnh dạn đầu tư chuồng trại, để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng.
Mô hình nuôi vịt trên sàn của anh Đồng Thanh Điền (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) là một ví dụ điển hình. Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi vịt chăn thả lấy trứng, anh Điền sớm nhận thấy những hạn chế của cách chăn nuôi này. Anh đã mạnh dạn đầu tư gần 2 tỷ đồng để thực hiện mô hình nuôi vịt trên sàn - mô hình anh đã tìm hiểu và học tập sau khi tham quan tại Thái Lan.
Mô hình nuôi trên nền đệm lót sinh học giúp giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh ở heo. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh đường ruột, hô hấp giảm từ 50% - 70%; giảm chi phí sử dụng thuốc thú y 50.000 đồng/con; tiết kiệm hơn 10% chi phí thức ăn; tiết kiệm 80% nước (do không cần tắm heo, rửa chuồng). Đặc biệt, mô hình còn giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do phân heo thải ra, không có mùi hôi như cách nuôi heo truyền thống và hạn chế ruồi muỗi.
(Ông Trương Công Danh,
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bà Rịa)
|
Chia sẻ về kỹ thuật xây dựng chuồng trại, anh Điền cho hay: Sàn nuôi vịt được giăng lưới trên hệ thống đá vững chắc, cao từ 40cm - 60cm so với mặt sàn xi măng. Phía dưới sàn trải trấu, rơm vụn; mặt sàn căng lưới mềm chuyên dùng cho chăn nuôi. Sàn có mái che mưa, cao và thoáng gió, giúp vịt luôn khô ráo. Xung quanh chuồng trại được lắp đặt hệ thống ống dẫn nước để vệ sinh chuồng trại, bên hông chuồng có bể cạn cho vịt thay nhau tắm. Nước được thay mới hàng ngày. Giữa tấm bạt, anh đặt trống ăn hình trụ rỗng. Khu vực cho vịt ăn được trải tấm bạt hứng thức ăn dính theo mỏ vịt văng ra nên bảo đảm vệ sinh sạch sẽ.
Hiện trang trại của anh Điền đang nuôi gối đầu hơn 19 ngàn con vịt lấy trứng. “Ưu điểm của mô hình này là gần như hạn chế được việc gây ô nhiễm môi trường. Đàn vịt được vệ sinh thường xuyên nên tránh được mùi hôi. Phân và chất thải cũng được gom hàng ngày, chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ và thoáng mát”, anh Điền cho hay. Hiện nay, mô hình mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm.
Theo Hội Nông dân xã Lộc An, thành công của mô hình nuôi vịt trên sàn đã mở ra hướng chăn nuôi mới, là động lực để nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
KIM HỒNG - TRỌNG HOÀNG