Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Thứ Hai, 27/05/2019, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” được các cấp Đoàn, Hội huyện Đất Đỏ triển khai sâu rộng, giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện phát triển kinh tế, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn Toàn (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) với mô hình trồng quýt, mít và chăn nuôi dê cho thu nhập khá.
Anh Nguyễn Văn Toàn (ấp Tân Thuận, xã Long Tân) với mô hình trồng quýt, mít và chăn nuôi dê cho thu nhập khá.

TRAO “CẦN CÂU”

Huyện Đất Đỏ hiện có hơn 3.500 đoàn viên đang sinh hoạt tại 13 cơ sở Đoàn. Đa số ĐVTN sống bằng nghề nông nghiệp nên nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế rất bức thiết. Nhận thức rõ điều này, các cơ sở Đoàn huyện Đất Đỏ đã phối hợp với Tỉnh Đoàn chủ động tạo điều kiện để ĐVTN có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn lớn để mở rộng sản xuất, kinh doanh từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, nguồn vốn ủy thác (kênh 120) của Trung ương Đoàn và Ngân hàng CSXH huyện.

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó, anh Nguyễn Văn Toàn (SN 1992, ấp Tân Thuận, xã Long Tân) luôn khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2014, anh Toàn thực hiện mô hình nuôi dê với quy mô nhỏ và trồng xen canh các loại hoa màu trên diện tích đất của gia đình. Đầu năm 2016, qua sự giới thiệu của Hội LHTN huyện Đất Đỏ, anh Toàn được “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho vay không tính lãi số tiền 70 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có vốn trong tay, anh Toàn đầu tư chuồng trại để phát triển đàn dê lên hơn 50 con, đồng thời trồng hơn 1ha quýt, mít và chuối. Sau gần 3 năm, 50 con dê giống đều đặn sinh sản. Vườn quýt và mít của anh Toàn cũng đã cho thu hoạch vụ đầu. Hiện nay, mỗi tháng cho anh Toàn thu lãi gần 15 triệu đồng từ mô hình kinh tế này. 

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh, các cấp Đoàn còn phối hợp với Hội Nông dân và các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp chuyển giao KH-KT chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt cho ĐVTN; kết nối với các cơ sở Đoàn tổ chức cho ĐVTN tham quan thực tế tại các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để ĐVTN học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trước đây, gần 1ha đất cát của gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1991, ấp Tân Hội, xã Phước Hội) chỉ có thể trồng xen canh các loại cây hoa màu cho giá trị kinh tế thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham quan một số mô hình làm kinh tế giỏi do Huyện Đoàn tổ chức, đầu năm 2017, anh đầu tư 40 triệu đồng mua giống, dựng trụ và lắp giàn lưới đỡ thân cây để thực hiện mô hình trồng khoai mài. Anh cũng áp dụng các kiến thức được học về trồng và chăm sóc cây khoai mài do Hội Nông dân phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Phước Hội tổ chức. Cũng nhờ sự giới thiệu của các ĐVTN trong xã nên thương lái tìm đến tận nhà anh Tuấn để thu mua khoai mài với giá ổn định từ 70-80 ngàn đồng/kg. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, anh Tuấn thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm. 

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Tân Hội, xã Phước Hội) bên giàn lưới đỡ thân cây khoai mài.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Tân Hội, xã Phước Hội) bên giàn lưới đỡ thân cây khoai mài.

KHUYẾN KHÍCH THANH NIÊN SÁNG TẠO

Nhận thấy việc để gà tự ấp trứng theo phương pháp truyền thống có tỷ lệ gà con nở ra thấp, trong khi giá các loại máy ấp trứng trên thị trường lại quá cao, đầu năm 2013, anh Nguyễn Tấn Tài (SN 1990, ấp Láng Dài 1, xã Láng Dài) đã nghiên cứu chế tạo máy ấp trứng tự động để phục vụ việc chăn nuôi, sản xuất giống gà cho gia đình. Anh mua chiếc máy ấp đã qua sử dụng về tìm hiểu, cải tiến thành lò ấp trứng tự động với sức chứa khoảng 500 trứng, tỷ lệ nở đạt hơn 85%. Sau nhiều lần cải tiến, máy ấp trứng do anh Tài sản xuất ngày càng hiện đại với đầy đủ các thiết bị như đèn báo nhiệt độ, nút tự điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và chế độ đảo trứng với sức chứa 1.000 trứng. Ngoài ra, anh Tài còn tự chế tạo thêm một máy ấp gà mới nở với sức chứa 300 con. Hiện nay, trung bình mỗi tuần gia đình anh Tài xuất trên 300 con gà giống ra thị trường, thu lãi hơn 3 triệu đồng. 

Ngoài anh Nguyễn Tấn Tài, phong trào “Sáng tạo trẻ” đã và đang chắp cánh cho những ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ được bay xa hơn như chị Nguyễn Thị Hồng Phương (SN 1994, ấp Mỹ Thuận, xã Long Mỹ) với mô hình làm hoa giả cho thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng, anh Lê Minh Châu (SN 1985, ấp An Hải, xã Lộc An) với mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm; chị Phạm Thị Thanh Huyền (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ) với mô hình trồng hoa cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm…

Giai đoạn 2014-2019, đã có gần 986 lượt ĐVTN được tổ chức Đoàn, Hội hỗ trợ vay vốn từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”; nguồn vốn ủy thác của Trung ương Đoàn và Ngân hàng CSXH huyện với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Anh Lê Minh Quan, Bí thư Huyện Đoàn Đất Đỏ cho biết, giúp ĐVTN lập thân, khởi nghiệp là việc làm thiết thực, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. “Thời gian tới, tổ chức Đoàn, Hội các cấp sẽ tiếp tục duy trì tốt những loại hình kinh tế hiệu quả trong thanh niên, tiếp tục phát huy vai trò của tổ hợp tác thanh niên làm kinh tế để làm đòn bẩy thu hút và hỗ trợ thanh niên làm giàu chính đáng, góp sức cùng địa phương phấn đấu sớm đưa Đất Đỏ trở thành huyện NTM”.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.