Cơ hội cho tàu cá "xuất ngoại" hợp pháp

Thứ Tư, 29/05/2019, 18:38 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong 3 tỉnh được Chính phủ chọn thí điểm triển khai đưa đội tàu cá sang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển một số nước. Đây là hướng đi mới, mở ra cơ hội cho tàu cá địa phương “xuất ngoại” hợp pháp trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản trong nước ngày càng cạn kiệt.

Các tàu cá tham gia đánh bắt hợp pháp trên vùng biển nước ngoài sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Trong ảnh: Ngư dân làm việc trên tàu cá tại cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: QUANG VINH
Các tàu cá tham gia đánh bắt hợp pháp trên vùng biển nước ngoài sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Trong ảnh: Ngư dân làm việc trên tàu cá tại cảng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Ảnh: QUANG VINH

NHIỀU ƯU ĐÃI

Theo Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước, Bà Rịa-Vũng Tàu cùng Quảng Ngãi và Tiền Giang là 3 địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án. 

Ông Lê Tòng Văn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, BR-VT là một trong những địa phương đầu tiên được chọn để thực hiện đề án nhờ có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn với gần 3.000 chiếc. Trong số đó, nhiều tàu có khả năng hoạt động ở những vùng biển cách Việt Nam hàng ngàn km. Bên cạnh đó, các DN thu mua, chế biến thủy, hải sản của tỉnh cũng có tiềm lực lớn, có khả năng phối hợp để tiêu thụ các sản phẩm do ngư dân đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. “Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã khảo sát và ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác để đội tàu của Việt Nam đánh bắt thủy, hải sản hợp pháp trên vùng biển của một số nước có nguồn lợi dồi dào như: Papua New Guinea (Tây Nam Thái Bình Dương), Brunei, Micronesia (Bắc Thái Bình Dương). Việc các tàu cá đánh bắt xa bờ của tỉnh được cấp phép khai thác nguồn lợi ở các quốc gia này sẽ đem lại hiệu quả lớn trong bối cảnh nguồn lợi thủy hải sản vùng biển trong nước suy giảm”, ông Văn nhận định.

Việc đưa tàu cá đi khai thác hợp pháp ở nước ngoài giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy, hải sản. Trong ảnh:  Ngư dân TT. Long Hải (huyện Long Điền) vận chuyển cá sau chuyến biển đi tiêu thụ. Ảnh: VÂN ANH
Ngư dân TT. Long Hải (huyện Long Điền) vận chuyển cá vào bờ sau chuyến biển. Ảnh: VÂN ANH

Tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo Quyết định số 1047/QĐ-TTg được tổ chức tại TP. Vũng Tàu ngày 25-5, ông Nguyễn Phú Quốc, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản) thông tin: Các tàu cá khi tham gia đánh bắt hợp pháp ở nước ngoài sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Theo đó, chủ tàu được hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu cho chuyến đi (1 lượt đi); 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% chi phí mua bảo hiểm thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ một lần 100% thiết bị đầu cuối giám sát hành trình có tích hợp kết nối định vị vệ tinh VMS. Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy, hải sản do các tàu khai thác hợp pháp ở vùng biển nước ngoài được nhập khẩu về Việt Nam có xác nhận của nước sở tại sẽ được miễn thuế đến hết năm 2020.

Chủ trương của Chính phủ cũng hướng tới phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân; giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện đầy đủ cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.

CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN

Qua khảo sát, nhiều DN, chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi và mong muốn tham gia đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài theo quyết định trên. Ông Nguyễn Viết Lành (ngụ đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu) có 2 tàu lưới rê hoạt động trên ngư trường Trường Sa cho biết, những năm qua, sản lượng đánh bắt hải sản trong nước giảm mạnh khiến lợi nhuận từ các chuyến biển giảm, thậm chí thua lỗ. “Khi biết Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tôi rất phấn khởi và mong muốn tham gia chương trình này. Tôi vừa tìm hiểu và biết thời gian tới sẽ có đoàn của Bộ NN-PTNT sang các nước để khảo sát nguồn lợi nên sẽ đăng ký đi cùng. Nếu thấy thuận lợi, tôi sẽ làm thủ tục để được đánh bắt hợp pháp ở nước ngoài”, ông Lành nói. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trong năm 2018, cả nước đã xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. 

Tuy nhiên, nhiều DN, chủ tàu cá còn băn khoăn và mong muốn nhà nước hỗ trợ nhiều hơn để được tham gia đánh bắt thủy, hải sản hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, bởi có nhiều quy định khắt khe. Theo đó, điều kiện để các tàu được phép đánh bắt hợp pháp tại vùng biển nước ngoài là tàu phải thuộc quản lý của DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực khai thác thủy, hải sản. DN này phải xây dựng đề án khai thác thủy hải sản, trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, DN cần kết nối và có hợp đồng liên doanh, liên kết với các đối tác và có giấy phép của nước sở tại. 

Ông Nguyễn Đình Liếng (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết, từ năm 2016, tàu cá đóng theo Nghị định 67 của ông hoạt động không hiệu quả nên việc trả nợ ngân hàng gặp khó khăn. Theo ông, vướng mắc khi xin tham gia đề án là cá của gia đình ông là tài sản thế chấp nên muốn đưa tàu ra nước ngoài hoạt động, ông phải được sự đồng ý của ngân hàng. Ông Liếng đề xuất Chính phủ can thiệp, tạo điều kiện để các tàu cá đóng theo Nghị định 67 được đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. 

Bộ NN-PTNT sẽ sớm triển khai các biện pháp như: thành lập tổ công tác hướng dẫn địa phương thẩm định, phê duyệt các đề án của DN; phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức đàm phán, ký kết hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quản lý nghề cá trên thế giới để đưa tàu cá Việt Nam đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thiết lập hệ thống thông tin để kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ DN trong suốt quá trình đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác ở vùng biển các nước. 

(Ông Nguyễn Phú Quốc, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản)

Bên cạnh đó, một số chủ tàu đánh bắt bằng lưới kéo cũng bày tỏ mong muốn được tham gia đề án. Tuy nhiên, các nước đồng ý hợp tác đánh bắt với Việt Nam đều cấm hình thức khai thác này. Do đó, nhiều chủ tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh kiến nghị nên có thêm các chính sách hỗ trợ để họ cải hoán tàu cá để được đánh bắt hợp pháp trên vùng biển nước ngoài. 

Về kiến nghị của một số chủ “tàu 67” trong việc đưa tàu đi đánh bắt khi vẫn còn đang thế chấp tàu cá cho ngân hàng, ông Nguyễn Phú Quốc cho rằng các chủ tàu nên xây dựng đề án cụ thể, khả thi và làm việc, thỏa thuận với ngân hàng. “Ngoài ra, các địa phương nên có chính sách hỗ trợ ngư dân cải hoán tàu lưới kéo sang hình thức khác, vừa giảm việc đánh bắt tận diệt, vừa giúp chủ tàu đáp ứng điều kiện đánh bắt hợp pháp ở vùng biển nước ngoài”, ông Nguyễn Phú Quốc đề xuất.

QUANG VINH

;
.