.

BR-VT trước thách thức của biến đổi khí hậu

Cập nhật: 19:12, 26/05/2019 (GMT+7)

Những năm gần đây, tỉnh BR-VT đang chịu tác động khá rõ của biến đổi khí hậu (BĐKH) như thời tiết diễn biến phức tạp, tốc độ xâm thực biển ngày càng nhanh, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra nhiều nơi ở vùng ven bờ… BĐKH đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài tập trung vùng trọng yếu để thích ứng với BĐKH, BR-VT đang có những biện pháp bảo vệ vùng bờ và các cửa sông, cửa biển.

Những hộ dân sống ở khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu) lo lắng biển sẽ ngày càng tiến sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa, đất đai...
Những hộ dân sống ở khu vực Trại Nhái (phường 12, TP. Vũng Tàu) lo lắng biển sẽ ngày càng tiến sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa, đất đai...

ÁP LỰC Ở VÙNG CỬA SÔNG, VEN BIỂN

Ông Lê Hùng Sĩ (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết, những năm trước, 2ha lúa luôn cho năng suất cao và là nguồn thu nhập chính của gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2013, do nước biển dâng nên ruộng lúa bị xâm nhập mặn, toàn bộ diện tích này phải bỏ hoang. Ông đã dùng nhiều cách để khắc phục như trồng giống lúa chịu mặn, xử lý đất bằng vôi bột khử phèn. Cuối cùng ông Sĩ phải áp dụng phương pháp “ép mặn, ép phèn” mới canh tác được.

Theo đánh giá của các chuyên gia, BR-VT là khu vực nhạy cảm với tác động của BĐKH. Những năm gần đây, BĐKH đã từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với vùng ven bờ tỉnh BR-VT như sạt lở, bồi lấp luồng lạch các cửa sông, ven biển, xâm nhập mặn… Anh Mã Văn Vũ (nhà ở Trại Nhái, phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây nhà của anh ở gần sát biển, nhưng năm trước sóng biển đánh mạnh, cuốn mất cả nhà. Mùa biển lặng thì anh đi ghe. Từ tháng 7, sóng dữ, anh cho ghe vào bờ rồi bắt xe khách về quê Nghệ An làm công việc khác. Theo anh Vũ, khoảng 10 năm trước, khu vực này trước đây có cả một rừng dương và những bãi cát dài phẳng đẹp. Nhưng bây giờ thì rừng dương không còn, bãi cát hoang tàn, trơ trọi những gốc cây, những hố sâu và những ngôi nhà đổ nát.

Kết quả khảo sát gần đây của Sở TN-MT cho thấy, tốc độ dâng lên của mực nước trung bình năm tại BR-VT khoảng 3mm/năm. Trong đó mực nước tối cao dâng lên khoảng 4,4mm/năm, còn mực nước tối thấp có xu hướng giảm với thời gian khoảng -0,8mm/năm. Tỉnh BR-VT có chiều dài bờ biển hơn 300km, tuy nhiên, tình trạng xói lở, xâm thực đất liền trên địa bàn tỉnh đã xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, trải dài từ Vũng Tàu đến Bình Châu. Qua khảo sát cho thấy, các khu vực bị xâm thực, xói lở nghiêm trọng nhất là khu vực Trại Nhái (TP. Vũng Tàu); Lộc An (huyện Đất Đỏ); Cửa Lấp (huyện Long Điền); Hồ Cốc - Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc)… Trong đó, khu vực Trại Nhái trong 2 năm gần đây, tốc độ xâm thực khoảng 100m/năm làm cho toàn bộ dãy đồi cát ở khu vực này bị nước biển cuốn trôi. Khu vực ven biển xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), diện tích bị xâm thực, sạt lở lên đến 6,29ha, trong đó chiều dài khu vực ven biển bị nước cuốn trôi khoảng 1.345m.  

Ông Lê Hùng Sĩ (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cải tạo 2ha đất nhiễm mặn để trồng lúa.
Ông Lê Hùng Sĩ (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cải tạo 2ha đất nhiễm mặn để trồng lúa.

ĐƯA BĐKH VÀO QUY HOẠCH CỦA TỈNH

Theo chuyên gia môi trường Nguyễn Đình Hòe, Trung tâm Phát triển Xã hội và Môi trường vùng Cersed, không chỉ tốc độ biển xâm thực nhanh, BR-VT phải đối mặt với nguồn nước cạn kiệt do BĐKH, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất cục bộ vào mùa khô. BĐKH cùng với nước biển dâng sẽ làm cho các nguồn nước ngọt sẽ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Trong khi đó, phần lớn các địa phương ở nước ta, nhất là các tỉnh ven biển trong đó có BR-VT chưa nhận diện đầy đủ mối đe doạ của BĐKH nên chưa tính toán và lồng ghép vào các quy hoạch phát triển của tỉnh trước ảnh hưởng của BĐKH. Do đó, thời gian tới BR-VT cần phải đưa nội dung BĐKH vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cần chú trọng hai yếu tố tác động của BĐKH là nhiệt độ tăng và nước biển dâng. Do vậy, cùng với công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH, cần tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, hợp tác quốc tế về ứng phó với BĐKH, đề cao công tác bảo vệ môi trường, khắc phục suy thoái, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học để phát triển bền vững… Trong chương trình hành động ứng phó với BĐKH, tỉnh cũng kêu gọi mọi người phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hợp lý để giảm phát thải nhà kính; Trong nông nghiệp và lâm nghiệp sử dụng nhiều phân bón hữu cơ để giảm phát thải khí metan; Trồng rừng và bảo vệ rừng là biện pháp tích cực nhất để rừng hấp thu khí CO2

Theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, sẽ có 48 dự án được ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2020. Trong đó, 15 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2013-2015 với tổng kinh phí khoảng 3.053 tỷ đồng.


Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, cùng với các giải pháp khoa học công nghệ ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ vùng cửa sông, ven biển như: kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người khu vực ven biển về bảo vệ tài nguyên, môi trường sống, về những tác nhân gây biến đổi khí hậu càng được tăng cường. “Tuy nhiên, hơn ai hết, cộng đồng dân cư mới thật sự là lực lượng giám sát, bảo vệ tốt nhất môi trường sống cho chính mình. Quan trọng nhất là mỗi người phải có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng”, ông Linh nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.